Dưới tựa đề Rau và Quả, Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hương (nick fb Huong Pham, đã cho mọi người biết thông tin lượng rau và quả cần thiết mỗi người cần ít nhất trong một ngày để đảm bảo sức khỏe của mình. Chị cũng làm rõ định nghĩa rau và quả là gì? Vậy nhưng, những người Việt chúng ta thật sự chưa biết các yêu cầu rau quả mà WHO đề nghị.
Theo chị Thu Hương, người tiêu dùng nên biết, tối thiểu 400 gam rau quả – chỉ phần ăn được (không tính phần bỏ đi như thân lá già…) là mức WHO khuyến cáo mỗi người lớn cần ăn mỗi ngày.
Rau xanh cần thiết cho sức khỏe con người
Người lớn cần mỗi ngày ít nhất 400 gram rarau và quả
Vai trò rau quả thì hầu như ai cũng biết: cung cấp vitamin, chất khoáng là thành phần của các enzymes, axit folic giúp phát triển ống thần kinh ở thai nhi, axit hữu cơ hỗ trợ tiêu hóa thức ăn, chất chống ô xy hóa giúp chúng ta trẻ lâu và phòng bệnh ung thư, chất xơ giúp làm sạch đường tiêu hóa góp phần phòng ung thư dạ dày, ruột.
Vì thế mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mong muốn nhân dân toàn cầu biết đến khuyến cáo tối thiểu 400 gam/người cho một ngày của họ.
Tôi không biết Việt Nam mình đã gửi thông điệp này đến toàn dân bằng cách nào ngoài Google.
Tại Hà Lan, từ năm năm 2017 tôi thấy ở các siêu thị có các tờ rơi, quảng cáo các mặt hàng lương thực thực phẩm đều có kèm thông điệp “tối thiểu 400 gam rau quả mỗi ngày cho một người lớn”.
Tôi thấy thông điệp này có vẻ nó tác động khá mạnh mẽ đến thói quen ăn uống của người dân, thông qua một người bạn trước đây chỉ biết đến công việc. Lý do khiến anh giảm được 10kg từ 2017 đến hôm tôi gặp 16/8/2021 là anh tăng rau quả, giảm tinh bột và thịt, ăn 2 bữa cá/tuần và chạy bộ mỗi ngày.
Lần sang Hà Lan gần đây, tôi ghé siêu thị thì không thấy thông điệp này trên các tờ rơi nữa. Có thể người dân Hà Lan ai ai cũng thuộc lòng: ăn tối thiểu 400 gam rau quả mỗi ngày.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) định nghĩa rau quả thế này: “Các bộ phận ăn được (ví dụ: cấu trúc mang hạt, hoa, chồi, lá, thân, ngọn và rễ), của cây trồng hoặc thu hoạch từ cây hoang dại, ở trạng thái thô hoặc ở dạng chế biến tối thiểu”.
Như vậy, rau quả sẽ được hiểu không bao gồm:
– Củ giàu tinh bột như sắn, khoai tây, khoai lang, khoai sọ và củ mỡ (mặc dù lá của những cây này được dùng làm rau).
– Đậu hạt khô và các sản phẩm chế biến từ chúng như đậu phụ.
– Ngũ cốc bao gồm ngô, gạo, mỳ, mạch, kê…
– Các loại hạt có dầu như dừa, quả óc chó, hạt hướng dương.
– Cây thuốc, thảo dược và gia vị, trừ khi được dùng làm rau.
– Chất kích thích như chè, ca cao, cà phê.
– Các sản phẩm chế biến và chế biến sâu từ rau và quả như đồ uống có cồn (rượu vang, rượu mạnh), nước quả đóng chai, hộp hay cà chua cô đặc.
Theo kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2019 – 2020, người Việt ăn trung bình 230 gam rau/ngày và 140 gam quả/ngày, mức khá cao nhưng vẫn là đáng tiếc vì nguồn cung rau quả của chúng ta dồi dào quanh năm.
Làm sao có rau sạch cho người tiêu dùng yên tâm
Nhiều người ở thành phố, không tự mình sản xuất được rau hay quả, thường có tâm lý e ngại về độ an toàn của chúng, nhất là rau. Cũng đúng thôi, vì không biết bao nhiêu phần trăm rau trên thị trường đã được kiểm định chất lượng.
Theo báo Hà Nội mới ngày 21/10/2021, Hà Nội có 13.000 ha sản xuất rau các loại, trong đó có 5.000 ha được chứng nhận sản xuất an toàn; 6,1% rau an toàn được tiêu thụ theo chuỗi, còn lại 93,9% rau an toàn được bán như rau thông thường.
Hà Nội mong muốn thúc đẩy phân phối sản phẩm rau an toàn theo chuỗi để tăng lượng rau an toàn được bán với giá cao hơn.
Mong ước của tôi cũng như mọi người là tất cả rau quả bán ra thị trường đều phải đạt tiêu chuẩn an toàn để người tiêu dùng không phải nghi ngại. Rau quả được ăn tươi nên việc sản xuất an toàn là vô cùng quan trọng.
Tất cả rau quả bán trên thị trường đều an toàn cho sức khỏe người dân, có thể thực hiện được không?
Nếu câu trả lời là “Không được đâu, sản xuất nhỏ lẻ, làm sao kiểm soát hết được các nông hộ canh tác thế nào? Làm sao kiểm tra được tất cả các mẫu rau bán trên thị trường, nhất là ở các chợ truyền thống, chợ cóc, gánh hàng rong?”. Đúng là rất khó, nhưng câu trả lời như trên thì ai cũng biết bạn nhỉ.
Đọc các ví dụ sau đây rồi bạn cùng tôi rút ra kết luận:
Ví dụ 1: Cuối xuân 2019, tôi đến vùng xoài trồng giống xoài Đài Loan xuất đi Trung Quốc của tỉnh Sơn La. Người dân đã lấy cho chúng tôi xem bản cam kết mà phía Trung Quốc yêu cầu: Người dân chỉ đươc sử dụng những loại thuốc trong danh mục họ đưa ra, liều lượng và thời gian cách ly.
Như hộ tôi ghé thăm thì anh chị tuân thủ bản cam kết để bán được sản phẩm.
Ví dụ 2: Vùng sản xuất cà rốt xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Xã có 360ha cà rốt từ năm 2020 về trước, năm 2021 đã tăng lên 380ha, không chỉ bán ở thị trường trong nước mà còn xuất đi nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Lào, Campuchia, UAE…
Năm 2020, có đợt xuất sang Nhật bị trả về vì hàm lượng Hexaconazole (thuốc trị bệnh thối khô củ do nấm Rhizoctonia solani) trong sản phẩm vượt ngưỡng cho phép. Lý do là bà con đã sử dựng thuốc tưới lên đất, dùng quá liều lượng và không đảm bảo thời gian cách ly.
Sau đó Sở NN-PTNT Hải Dương đã tập huấn để bà con sử dụng đúng liều lượng phun lên lá và đảm bảo thời gian cách ly. Bà con đã thực hiện đúng như được tập huấn và vụ đông 2021 cà rốt được xuất đi thuận lợi.
Kết luận: Đọc đến đây có thể bạn cũng nghĩ như tôi, sức ép từ phía thị trường tác động mạnh mẽ đến phương thức canh tác của bà con nông dân. Nếu thị trường không chấp nhận, bà con sẽ lập tức thay đổi để đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Đối với các vùng sản xuất bắp cải rộng lớn ở Hải Dương thuộc huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, một số xã thuộc TP Hải Dương, cũng cần có những quy định như vậy, buộc các thương nhân chỉ mua sản phẩm nếu bà con dùng đúng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong danh mục, đúng liều lượng và thời gian cách ly.
Sở NN-PTNT cung cấp tài liệu này đến các HTX và HTX sẽ chuyển đến từng hộ sản xuất rau. Danh mục thuốc ghi rõ sâu, bệnh gì thì sử dụng thuốc nào, liều lượng, thời gian cách ly, số lần được phun một loại thuốc tối đa trên cùng một ruộng trong một vụ (tránh việc sâu, bệnh kháng thuốc).
Tổ chức Y tế Thế giới mong muốn nhân dân toàn cầu biết đến khuyến cáo tối thiểu 400 gam/người cho một ngày.
Nên chú ý, tiếng nói của thương nhân rất có sức mạnh đối với bà con nông dân. Đến các vùng trồng bắp cải, bạn sẽ thấy bà con chỉ trồng giống mà thương nhân đã từng mua. Ta có thể thấy vai trò của thương nhân là các siêu thị. Họ đưa ra yêu cầu và người sản xuất chấp hành.
Ở nước ta, phần lớn rau quả được bán ở chợ truyền thống, chúng ta không thể trông chờ vào các quy định của các siêu thị để mong toàn dân được sử dụng rau an toàn. Chúng ta cần có biện pháp khác, đó là sử dụng sức mạnh của thương nhân, người thu mua rau từ nơi sản xuất và bán tại các thành phố lớn.
Hãy bắt đầu với cây bắp cải. Đó là loại rau được sản xuất hàng hóa lớn, là loại rau cần phun thuốc BVTV để cho năng suất trong canh tác thông thường. Việc sử dụng thuốc BVTV trên loại rau này có nhiều bất cập, như tôi biết có cả việc sử dụng thuốc từ Trung Quốc, còn nhãn mác hoặc không nhưng đều là thuốc lậu, để trị sâu tơ.
Việc quản lý thuốc BVTV cần được thực hiện chặt chẽ và quyết liệt. Cơ quan quản lý cần xử phạt nặng những ai có liên quan đến buôn bán và sử dụng thuốc lậu. Chúng ta không thể kiểm soát được ảnh hưởng của thuốc BVTV lậu đến môi trường và sức khỏe con người.
Tôi thật sự mong nền nông nghiệp nước nhà trước hết tạo ra sản phẩm an toàn cho toàn xã hội. Người dân trên cả nước yên tâm vào lương thực, thực phẩm bán trên thị trường. Mọi người ở mọi ngành nghề đều tập trung cho công việc của mình, tạo ra thành tựu để phát triển kinh tế gia đình và đất nước.