Nữ doanh nhân cao tuổi tiếp tục kêu cứu sau khi Bộ Tư pháp thông báo kết quả giải quyết khiếu nại!

06/11/2020 11:43

(49)

Thời gian gần đây, Tạp chí Người cao tuổi nhận được nhiều đơn của bà Trần Thị Việt Thanh, 66 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát), khiếu nại liên quan đến dự án tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, do Công ty Hồng Phát làm chủ Chủ đầu tư. Mới nhất là đơn đề ngày 2/10/2020, đơn dài 12 trang A4, nữ doanh nhân cao tuổi tiếp tục bức xúc, sau khi nhận được văn bản trả lời của Bộ Tư pháp.


Bà Trần Thị Việt Thanh thăm hỏi, tặng quà cho Mẹ VNAH ở Đồng Nai dịp 27/7/2020
Bà Trần Thị Việt Thanh thăm hỏi, tặng quà cho Mẹ VNAH ở Đồng Nai dịp 27/7/2020
Trụ sở Công ty Hồng Phát
Trụ sở Công ty Hồng Phát
Nữ doanh nhân cao tuổi Trần Thị Việt Thanh
Nữ doanh nhân cao tuổi Trần Thị Việt Thanh

Bộ Tư pháp kết luận: “Có sai sót làm phát sinh khiếu nại bức xúc” (!)

Báo Người cao tuổi, Báo điện tử Ngày mới (nay là Tạp chí Người cao tuổi, Tạp chí điện tử Ngày mới online) đã có nhiều bài viết phản ánh: Ngày 1/6/2007, Công ty Hồng Phát và China Policy Limited (gọi tắt là CPL) kí “Thoả thuận khung”, hai bên cùng thoả thuận, kí kết hợp đồng, thành lập Công ty Liên doanh để triển khai Dự án. Sau đó, xảy ra tranh chấp, CPL khởi kiện, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, ra Phán quyết số 29/12 ngày 25/4/2013 (gọi tắt Phán quyết Trọng tài).

Theo Phán quyết Trọng tài, Công ty Hồng Phát và CPL tiếp tục thực hiện “Thoả thuận khung”, không đề cập đến việc ngăn chặn, kê biên tài sản. Tuy nhiên, ngày 18/9/2017, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Long An ban hành Công văn số 525/CTHA, ngăn chặn toàn bộ 13 QSDĐ với 232,66 ha của Công ty Hồng Phát.

Công ty Hồng Phát khiếu nại. Ngày 4/6/2018, Bộ Tư pháp có Văn bản số 123/BC-BTP, khẳng định: “Không có căn cứ để cưỡng chế, kê biên 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) của Công ty Hồng Phát theo Điều 71, Luật THADS”.

Ngày 31/8/2018, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 8248/VPCP-V.I, truyền ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình:“Đồng ý về nguyên tắc hướng giải quyết của Bộ Tư pháp tại Văn bản số 123/BC-BTP. Nếu có tranh chấp về góp vốn và bồi thường thiệt hại trong việc thực hiện Thỏa thuận khung giữa 2 công ty, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Viện KSND Tối cao, UBND tỉnh Long An hướng dẫn công ty khởi kiện tại TAND để giải quyết”. Tiếp đến, ngày 26/11/2018, Tổng cục THADS có Văn bản số 4341/TCTHADS-NV1 thể hiện sự đồng thuận quan điểm với lãnh đạo Bộ Tư pháp.

Từ hai Văn bản trên, cùng với sự chỉ đạo của Tổng cục THADS, ngày 29/11/2018, Cục THADS tỉnh Long An ban hành Văn bản số 682/CV-CTHADS chấm dứt thực hiện Công văn số 525/CTHA (giải toả ngăn chặn 232,66 ha đất).

Nhưng 20 ngày sau, ông Đặng Hoàng Yên, Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Long An, kí Quyết định 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018, “về việc tạm dừng đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản đối với 13 GCNQSDĐ của Công ty Hồng Phát”. Quyết định tái lập việc ngăn chặn này dẫn đến khiếu nại gay gắt của Công ty Hồng Phát. Ngày 6/3/2019, Cục THADS sự tỉnh Long An Bùi Phú Hưng kí Quyết định 06/QĐ-CTHADS, không chấp nhận toàn bộ khiếu nại của Công ty Hồng Phát. Tại Điều 4 của Quyết định 06/QĐ-CTHADS, nêu rõ: “Công ty Hồng Phát có quyền khiếu nại tiếp đến Tổng cục trưởng Tổng cục THADS trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định này”.

Công ty Hồng Phát tiếp tục khiếu nại đối với Quyết định 06/QĐ-CTHADS. Ngày 19/4/2019, Tổng cục THADS có Thông báo số 103/TB-TCTHADS thụ lý đơn khiếu nại của Công ty Hồng Phát. Đúng 8 tháng sau, Tổng cục THADS có Văn bản số 4245/TCTHADS-GQKNTC ngày 18/12/2019, cho rằng Tổng cục THADS không có thẩm quyền xem xét, giải quyết khiếu nại đối với Quyết định 06/QĐ-CTHADS nên ngày 17/5/2019, Tổng cục THADS ra Thông báo số 130/TB-TCTHADS thu hồi Thông báo số 103/TB-TCTHADS. Đại diện Công ty Hồng Phát khẳng định: Công ty không nhận được Thông báo số 130/TB-TCTHADS, nếu có thì công ty khiếu nại ngay, không thể “im lặng” suốt 8 tháng. Công ty Hồng Phát cho rằng Thông báo số 130/TB-TCTHADS là nguỵ tạo, nhằm “ngâm” không giải quyết khiếu nại, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Dự án.

Công ty Hồng phát liên tục khiếu tố. Ngày 6/2/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 04/QĐ-TTR lập Đoàn thanh tra do ông Đặng Minh Quân (Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp) làm Trưởng đoàn, tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Công ty Hồng Phát.

Trang 1
Trang 2
Trang 3
Văn bản số 2097/BTP-TTR ngày 11/6/2020 của Bộ Tư pháp

Ngày 11/6/2020, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu kí Văn bản số 2097/BTP-TTR (kí thay Bộ trưởng) “thông báo kết quả giải quyết đơn” của Công ty Hồng Phát. Văn bản số 2097/BTP-TTR, kết luận như sau:

Thứ nhất, căn cứ: Đơn đề nghị của CPL, Phán quyết Trọng tài, Quyết định thi hành án và diễn biến thực tế vụ việc, việc ban hành Quyết định số 07/QĐ-CTHADS trên, là đúng thẩm quyền, phù hợp quy định Khoản 5 Điều 20, Điều 66, và Khoản 1 Điều 69 Luật THADS. Quyết định giải quyết khiếu nại số 06/QĐ-CTHADS ban hành là đúng thẩm quyền theo quy định điểm a Khoản 2 Điều 142 Luật THADS.

Tuy nhiên, Quyết định số 07/QĐ-CTHA có sự nhầm lẫn, GCNQSDĐ số vào sổ T03624 ngày 26/9/2009, diện tích 132.707,6m2 có số AI 212591 (không phải BC T03624 như ghi trong Quyết định 07/QĐ-CTHADS).

Và theo Quyết định số 06/QĐ-CTHADS, tại Điều 4 có ghi:“Công ty cổ phần Địa ốc Hồng Phát có quyền khiếu nại tiếp đến Tổng cục trưởng Tổng cục THADS trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định này” là không đúng Khoản 3 Điều 38 Nghị định 62/2015/NĐ-CP.

Thứ hai, Ngày 19/4/2019, Tổng cục THADS có Thông báo số 103/TB-TCTHADS thụ lý khiếu nại của Công ty Hồng Phát đối với Quyết định số 06/QĐ-CTHADS và Quyết định số 07/QĐ-CTHADS, nội dung: Tổng cục THADS phát hiện việc thông báo thụ lý khiếu nại của Công ty Hồng Phát là không phù hợp Khoản 3 Điều 38 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP nên có Thông báo số 130/TB-TCTHADS ngày 17/5/2019 thu hồi Thông báo thụ lý số 103/TB-TCTHADS; không đủ cơ sở kết luận Thông báo số 130/TB-TCTHADS của Tổng cục THADS là ngụy tạo.

Thứ ba, Công ty Hồng Phát nêu một số vi phạm của CPL như: CPL không có tư cách pháp nhân, chuyển tiền ngoại tệ trái phép vào Việt Nam, tự ý đổi tên Dự án để đưa lên sàn chứng khoán làm tăng giá cổ phiếu. Qua xem xét thấy rằng: Những nội dung nói trên không thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp.

Bộ Tư pháp cho rằng, những sai sót trong quá trình xử lý khiếu nại của Tổng cục THADS, về bản chất không làm mất quyền khiếu nại của Công ty Hồng Phát. Đối với Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan THADS địa phương đã có hiệu lực thi hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thẩm quyền xem xét lại khi cần thiết theo quy định tại điểm b Khoản 4 Điều 142 Luật THADS. Thực tế, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Thanh tra Bộ Tư pháp tiến hành thanh tra để tham mưu cho Bộ trưởng trong việc xem xét các khiếu nại của Công ty Hồng Phát; quá trình Tổng cục THADS xử lý đơn khiếu nại của Công ty Hồng Phát đã có sai sót, phần nào làm phát sinh khiếu nại bức xúc từ Công ty Hồng Phát cần phải được chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã chỉ đạo và giao Tổng cục THADS: Sửa đổi, chỉ đạo đính chính, những nội dung chưa đúng quy định pháp luật, sơ sót kỹ thuật của Quyết định giải quyết khiếu nại số 06/QĐ-CTHADS; tổ chức họp, kiểm điểm, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với những sai sót trong việc xử lý đơn khiếu nại của Công ty Hồng Phát; chỉ đạo Cục THADS tỉnh Long An tổ chức họp kiểm điểm, xác định trách nhiệm cá nhân và có hình thức xử lý tương xứng đối với những tồn tại, sai sót như kết luận đã nêu, tổ chức thi hành án đảm bảo đúng quy định pháp luật; báo cáo, đề xuất, giải quyết kịp thời những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thi hành án.

Nữ doanh nhân cao tuổi tiếp tục khiếu nại!

Tạp chí Người cao tuổi có Công văn số 10/CV-TCNCT ngày 10/4/2020 chuyển đơn kèm hồ sơ của nữ doanh nhân cao tuổi Trần Thị Việt Thanh, trân trọng gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, cùng các bộ, ngành xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Văn phòng Chủ tịch nước có Văn bản số 374/VPCTN-PL ngày 24/4/2020; Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Văn bản số 128/BDN ngày 24/4/2020; Bộ Công an có Văn bản số 1133/TB-X05-P6 ngày 29/4/2020…đều đã chuyển đơn kèm hồ sơ đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Sau khi nhận Văn bản số 2097/BTP-TTR ngày 11/6/2020 của Bộ Tư pháp, Công ty Hồng Phát tiếp tục có nhiều đơn khiếu nại, kiến nghị…Ngày 28/8/2020, Tạp chí Người cao tuổi có Công văn số 104/CV-TCNCT chuyển đơn kiến nghị của Công ty Hồng Phát đến Bộ Tư pháp, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông… Và Tạp chí Người cao tuổi tiếp tục có Công văn số 137/CV-TCNCT ngày 14/10/2020, gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp “về việc giải quyết đơn kiến nghị ngày 2/10/2020 của Công ty Hồng Phát”.

Công văn số 137/CV-TCNCT nêu rõ: Trong các đơn, bà Trần Thị Việt Thanh cho rằng, Văn bản số 2097/BTP-TTR ngày 11/6/2020, có nội dung đi ngược lại với Văn bản số 123/BC-BTC do chính Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký ban hành ngày 4/6/2018; và chỉ mới xem xét khiếu nại về mặt hình thức, trình tự, thủ tục, chứ hoàn toàn không xem xét khách quan, công tâm về nội dung, diễn biến thực tế của vụ việc cũng như chưa làm rõ việc chấp hành pháp luật trong quá trình tổ chức thi Phán quyết Trọng tài. Công ty Hồng Phát khiếu nội dung Văn bản số 2097/BTP-TTR, như sau:

Một: Văn bản số 2097/BTP-TTR xác định, Chấp hành viên Đặng Hoàng Yên kí Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018 “áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án”. Trong khi, Phán quyết Trọng tài không có nội dung nào quy định Chấp hành viên làm việc này! Văn bản số 2097/BTP-TTR kết luận: Quyết định số 07/QĐ-CTHADS là đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, hành vi này của chấp hành viên, thể hiện vi phạm quy định tại Khoản 8, Điều 21 Luật THADS về những việc Chấp hành viên không được làm, như “Cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định…”.

Hai: Phán quyết Trọng tài và Quyết định thi hành án chỉ rõ Công ty Hồng Phát phải thực hiện 2 nghĩa vụ. Nghĩa vụ 1: Thực hiện quá trình xin cấp phép cần thiết và đạt được chứng nhận đầu tư cho Công ty Liên doanh được thành lập giữa CPL và Hồng Phát như Thỏa thuận khung. Đây là nghĩa vụ thực hiện một công việc nhất định. Nghĩa vụ 2: Hồng Phát sẽ phải đóng góp quyền sử dụng đất (giai đoạn 1) đứng tên Hồng Phát vào Công ty Liên doanh. Đây là thực hiện nghĩa vụ về tài sản.

Tại thời điểm ban hành Quyết định số 07/QĐ-CTHADS thì CPL và Hồng Phát đang thi hành nghĩa vụ 1. Đến thời điểm hiện tại, Công ty Liên doanh vẫn chưa được thành lập, nên chưa phát sinh việc thực hiện nghĩa vụ thứ 2 về tài sản. Như vậy, nếu thi hành đúng nội dung Phán quyết Trọng tài và Quyết định thi hành án, Chấp hành viên phải chờ đến sau khi Công ty Liên doanh được thành lập, khi đó phát sinh nghĩa vụ của Công ty Hồng Phát liên quan đến tài sản, thì mới có cơ sở pháp lý để áp dụng biện pháp đảm bảo thi hành án theo quy định.

Ba: Bộ trưởng Bộ Tư pháp kết luận tại Văn bản số 123/BC-BTP ngày 04/6/2018: “Không có căn cứ để cưỡng chế, kê biên 13 GCNQSDĐ. Trường hợp, Cơ quan THADS tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản của Công ty Hồng Phát thì không đúng theo nội dung Phán quyết Trọng tài”. Và Tổng cục THADS cũng có chung quan điểm này (Văn bản số 4341/TCTHADS-NV1 ngày 26/11/2018, hướng dẫn nghiệp vụ cho Cục THADS tỉnh Long An): “Theo quy định tại khoản 4, Điều 69, Điều 71 Luật THADS năm 2014, Cơ quan THADS không có căn cứ để cưỡng chế kê biên tài sản đối với 13 GCNQSDĐ của Công ty Hồng Phát…Trong trường hợp, các bên đã thành lập được Công ty Liên doanh mà Công ty Hồng Phát không đưa 13 GCNQSDĐ góp vốn vào Liên doanh thì Cơ quan THADS sẽ phối hợp để tổ chức việc thi hành án theo đúng quy định của pháp luật…”.

Từ những bằng chứng xác thực nêu trên, cho thấy có đủ cơ sở để kết luận: Quyết định số 07/QĐ-CTHADS 7 đã đi ngược lại với nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS. Chấp hành viên ký ban hành Quyết định số 07/QĐ-CTHADS thể hiện cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định, đúng như nhận định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại Văn bản số 123/BC-BT: “Không đúng theo Phán quyết Trọng tài”.

Trang 1
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Bộ trưởng Bộ Tư pháp kết luận tại Văn bản số 123/BC-BTP ngày 4/6/2018: “Không có căn cứ để cưỡng chế, kê biên 13 GCNQSDĐ. Trường hợp, Cơ quan THADS tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản của Công ty Hồng Phát thì không đúng theo nội dung Phán quyết Trọng tài”

Bốn: Điều kiện tiên quyết để áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án tại Điều 66 Luật THADS là “nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy tài sản, trốn tránh việc thi hành án” hoặc tại Khoản 1, Điều 69 là “Trường hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, trốn tránh việc thi hành án”. Mục đích chung của tất cả việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án là nhằm ngăn chặn việc trốn tránh thi hành án.

Theo quy định này, lẽ ra cần phải yêu cầu Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Long An, cũng như đương sự có yêu cầu thi hành án là CPL, phải giải trình về việc: Công ty Hồng Phát có hành vi hay động cơ trốn tránh việc thi hành án hay không? Khi không làm rõ được vấn đề này thì việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án là không có cơ sở và chưa cần thiết. Nhưng thực tế đã thể hiện bỏ qua nội dung xác minh quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến việc ban hành Quyết định số 07/QĐ-CTHADS có hợp pháp, có căn cứ pháp lý để áp dụng hay không?

Trong khi đó, Văn bản số 123/BC-BTP ngày 04/6/2018 của Bộ Tư pháp và Văn bản số 4341/TCTHADS-NV1 ngày 26/11/2018 của Tổng cục THADS đã chỉ rõ: Không có căn cứ để cưỡng chế thi hành án; không còn cơ sở để tiếp tục thực hiện việc ngăn chặn nên phải chấm dứt việc ngăn chặn.

Năm: Văn bản số 2097/BTP-TTR thể hiện rõ việc vi phạm thời hạn giải quyết khiếu nại: Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định đã nhận nhiều Đơn khiếu nại của Công ty Hồng Phát liên quan đến Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018 và Quyết định số 06/QĐ-CTHADS ngày 6/3/2019. Trong đó, đơn gửi lần đầu là ngày 11/3/2019, nhưng đến ngày 11/6/2020 Bộ trưởng Bộ Tư pháp mới ban hành văn bản trả lời khiếu nại, là thể hiện vi phạm khoản 4 Điều 146 Luật THADS.

Văn bản số 2097/BTP-TTR vi phạm về hình thức giải quyết khiếu nại: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 152; Điều 153 Luật THADS, hình thức giải quyết khiếu nại lần 2 phải ban hành dưới hình thức Quyết định, trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp lại ban hành dưới dạng “Thông báo””.

Ngoài ra, Văn bản số 2097/BTP-TTR còn thể hiện một số vi phạm khác. Điển hình như việc Bộ Tư Pháp chỉ đạo biện pháp xử lý là “Sửa đổi, chỉ đạo đính chính, những nội dung chưa đúng quy định pháp luật, sơ sót kỹ thuật của Quyết định giải quyết khiếu nại số 06/QĐ-CTHADS”. Trong Luật THADS, không hề có quy định cho phép người có thẩm quyền được quyền “chỉ đạo đính chính”.

Từ các lẽ trên, Công ty Hồng Phát đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi Văn bản số 2097/BTP-TTR; giải quyết khiếu nại của Công ty Hồng Phát theo đúng quy định pháp luật; làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với tất cả những đơn vị, cá nhân liên quan đến sai phạm trong việc tổ chức thi hành Phán quyết Trọng tài, giải quyết khiếu nại, tố cáo, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thiệt hại cho Công ty Hồng Phát.

Văn bản số 374/VPCTN-PL ngày 24/4/2020 của Văn phòng Chủ tịch nước

Tạp chí Người cao tuổi trân trọng chuyển đơn kèm theo hồ sơ tài liệu của Công ty Hồng phát đến lãnh đạo Bộ Tư pháp, xem xét, giải quyết nguyện vọng của người cao tuổi là bà Trần Thị Việt Thanh, theo thẩm quyền và thông báo kết quả theo quy định của Luật Báo chí.

Bà Trần Thị Việt Thanh trao tiền làm công tác xã hội giúp người nghèo ở Long An
Một góc dự án
Máy móc, xe chuyên dùng phải ngừng thi công, nằm phơi nắng phơi sương suốt thời gian dài
Máy móc, xe chuyên dùng phải ngừng thi công, nằm phơi nắng phơi sương suốt thời gian dài.

Mai Thân/Ngày Mới Online

https://ngaymoionline.com.vn/nu-doanh-nhan-cao-tuoi-tiep-tuc-keu-cuu-sau-khi-bo-tu-phap-thong-bao-ket-qua-giai-quyet-khieu-nai-19504.html

Đọc thêm

lên đầu trang