Những siêu dự án chống ngập TP.HCM đang “đứt gánh”
(4)
- Bài 2: Lũ quét đáng sợ như thế nào?
- TP.HCM triển khai đẩy mạnh việc dọn sạch rác để hỗ trợ “siêu máy bơm”
- Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ tại TP.HCM nguy cơ lại trễ hẹn
- Hệ thống “Siêu máy bơm” phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi mùa mưa kéo dài
- Triều cường lên 1,68 m làm vỡ bờ bao, nhiều nhà dân ở TP.HCM bị ngập
TP.HCM đang bước vào những ngày cao điểm của mùa mưa, cộng với mực nước triều dâng cao mỗi đầu tháng đã làm nhiều tuyến đường thường xuyên ngập nặng. Trong khi đó hai công trình chống ngập được kỳ vọng lớn nhất lại đang ngừng hoạt động vì thiếu tiền.
Tham vọng cô lập triều cường
Ngày 26/6/2016, dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)” do tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư được khởi công rầm rộ. Tổng kinh phí cho dự án này lên đến gần 10.000 tỷ và kỳ vọng sẽ hoàn thành trong 36 tháng.
Công trình đặt ra mục tiêu vô cùng tham vọng là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.
Đây là công trình chống ngập nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Trong một lần đến thăm vào tháng 10/2016, Chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong từng “cảnh báo” chủ đầu tư rằng 10 triệu người dân sẽ “cùng giám sát chất lượng”.
Có thể hình dung đơn giản rằng, dự án sẽ xây 6 cống lớn và hệ thống đê tại các con sông để ngăn triều cường tràn vào bên trong khu vực 570km2. Ban đầu dự án được triển khai với tốc độ rất nhanh, các hạng mục được thi công gần như đồng loạt và thường xuyên vượt tiến độ.
Đó là lý do trong buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy vào tháng 2/2017, chủ đầu tư từng tự tin cam kết sẽ hoàn thành công trình vào ngày 30/4/2018, tức sớm 14 tháng so với kế hoạch, để kỷ niệm ngày thống nhất đất nước.
Tưởng chừng với quyết tâm của chủ đầu tư và sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, công trình sẽ hoàn thành – ít nhất là đúng hạn. Tuy nhiên vào tháng 5/2018, Chủ đầu tư đột ngột cho biết công trình đã ngừng thi công hoàn toàn, dù khối lượng công việc hoàn thành đã lên đến 70%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành động này của chủ đầu tư, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là vì BIDV dừng giải ngân do thành phố chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án theo Phụ lục 02A.
Các vấn đề nảy sinh khiến TP.HCM phải có báo cáo “kêu cứu” gửi Thủ tướng. Đồng thời lập đoàn kiểm tra dự án, trong đó có nội dung đánh giá việc thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép cho hạng mục cơ khí cửa van.
Lý do là trước đó trong báo cáo gửi thành phố, công ty Meinhardt Việt Nam (đơn vị tư vấn giám sát dự án) – cho rằng, chủ đầu tư đã sử dụng vật liệu thi công cửa van không thống nhất với thiết kế (dùng thép có nguồn gốc Trung Quốc thay vì khối G7 và Nhật Bản).
Lẽ ra thời điểm này, người dân đã có thể yên tâm trước những cơn mưa ầm ập đổ xuống thành phố mỗi chiều, thì sau hai năm chờ đợi mọi thứ vẫn còn ngổn ngang và chưa biết khi nào kết thúc.
“Siêu máy bơm” đắp chiếu…
Gần như cùng thời điểm với dự án trên, giữa năm 2016 ông Nguyễn Tăng Cường cho biết có thể “cứu” các điểm ngập tại TP.HCM với hệ thống bơm hút ly tâm. Khi đó người đàn ông được mệnh danh là “vua thép” này cũng tuyên bố sẽ không lấy tiền nếu không hết ngập.
Đạt được thỏa thuận với thành phố, ông Cường chọn đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) – nơi được coi là “rốn ngập” của thành phố là nơi thí điểm. Sau nhiều tháng chế tạo, ngày 21/9/2017 “siêu máy bơm” hoạt động lần đầu. Kết quả sau 15 phút đã hút sạch lượng nước ngập từ 0,3-0,4m trên đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Trong nhiều cơn mưa sau đó chiếc máy bơm liên tục được sử dụng để đánh giá hiệu quả, cách thức hoạt động, hay quan trắc số liệu. Hiệu quả rõ rệt của công trình này đã khiến nhiều người lạc quan về dự án.
Tuy nhiên “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Những khác biệt với Trung tâm chống ngập (đơn vị thay mặt thành phố làm việc) đã khiến hai bên không thể thỏa thuận được mức giá thuê thiết bị dù không ít lần ngồi lại bàn bạc.
Sự việc dùng dằng cho đến cuối tháng 8 vừa qua thì ông Cường quyết định ngưng hoạt động máy bơm, dù lúc này ông cho biết đã đầu tư vào đây hơn 100 tỷ đồng và chưa nhận của thành phố đồng nào, và chiếc máy bơm đã chống ngập thành công 29/31 lần hoạt động.
Lý do lần này vẫn là vì kinh phí. Trong khi ông Cường đề xuất giá thuê ở mức 24,4 tỷ đồng/năm (tương đương 171 tỷ trong 7 năm), còn Trung tâm chống ngập chỉ đề xuất mức giá 9,9 tỷ đồng/năm.
Như vậy, cho đến nay hai công trình nhận được sự kỳ vọng nhiều nhất đều đã dừng lại khi mọi thứ đang dang dở, còn người dân thì tiếp tục dắt díu nhau qua những đoạn đường ngập nước lúc tan tầm.
MỚI ĐĂNG
- Diamond Event thực hiện thành công sự kiện với qui mô hơn 320 gian hàng tại Kiên Giang
- Hội nghị phổ biến chính sách giảm thiểu nhựa cho ngành hàng bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị, hàng không, đồ ăn nhanh và sản xuất bao bì
- Thói quen xanh những cách đơn giản để bảo vệ môi trường hàng ngày
- Gian Hàng Xanh ESG – điểm đến của sản phẩm xanh, du lịch xanh thân thiện môi trường
- ECO Solutions với chiến dịch “Cooking to Green” : Bữa trưa an toàn bổ dưỡng, gắn kết và thân thiện với môi trường
- Khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5 năm 2024
- Alena Energy khởi động Dự án sản xuất thiết bị lưu trữ điện năng lượng xanh
- HANE phát động chương trình “Hành động Xanh” cùng chung tay bảo vệ thiên nhiên và môi trường
- HANE trao tặng Vùng 2 Hải quân 100 ngàn cây thực hiện chương trình “Một triệu cây vì biển, đảo Tổ quốc, vì quê hương Việt Nam xanh”
- Giải bóng đá thiện nguyện hướng về miền Bắc thân yêu: “Một trái tim – Triệu yêu thương”