Ngày 30/10/2018, trên quê hương truyền thống dệt may Nam Định, Công ty CP Dệt Bảo Minh chính thức khánh thành đưa Nhà máy Dệt Bảo Minh vào hoạt động.
Việc đưa Nhà máy Dệt Bảo Minh vào hoạt động đã góp phần khép kín chuỗi cung ứng Sợi – Dệt – Nhuộm hoàn tất – May và phân phối.
ĐI THẲNG VÀO CÔNG NGHỆ CAO VÀ TÍCH HỢP 4.0
Được khởi công xây dựng từ tháng 4/2017 trên diện tích 100.000 m2, tại Lô CN4, Khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, Nhà máy Dệt Bảo Minh có tổng vốn đầu tư trị giá hơn 1.700 tỷ đồng. Tại đây, 100% dây chuyền sản xuất là thiết bị tân tiến nhất của những hãng danh tiếng trên thế giới như: Fongs, Toyota, Otshoff-Singeing, Lafer, Staubli, Goller… và nhiều thiết bị công nghệ cao khác lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
Đặc biệt, Nhà máy đã chú trọng đầu tư rất lớn cho phòng thí nghiệm và cả các thiết bị dệt mẫu để đảm bảo chất lượng hàng hóa khi xuất xưởng sẽ làm hài lòng các nhà sản xuất hàng thời trang. Khi hoạt động đầy đủ công suất nhà máy sẽ thu hút 800 lao động, hàng tháng sản xuất 600 tấn sợi nhuộm, 2 triệu mét vải dệt thoi và có năng lực hoàn tất 3 triệu mét.
Bên cạnh đó, nhà máy đã triển khai hệ thống ERP để điều hành doanh nghiệp, đặc biệt là điều hành sản xuất. Đây là giải pháp của Oracle đã được triển khai, từng bước các hệ thống điều hành Setex, Toyota sẽ tích hợp tổng thể mang lại hiệu quả và sự chính xác, đồng bộ cho hoạt động sản xuất.
Ông Trần Đăng Tường, Tổng giám đốc Dệt Bảo Minh- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thiên Nam, cho biết với nhà máy mới này Dệt Bảo Minh trở thành một nhà sản xuất theo chuỗi khép kín, chủ động trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ sợi đến hàng may mặc hoàn chỉnh. Mô hình kinh doanh này cho phép Bảo Minh tận dụng các lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu các sản phẩm đến tất cả các đối tác thương mại của Việt Nam, kể cả Hoa Kỳ.
“Nhà máy mới đi vào hoạt động là đi theo đúng định hướng tháo gỡ nút thắt cổ chai mà lâu nay tồn tại trong ngành dệt may Việt Nam, đó là phát triển quá chênh lệch giữa khâu may mặc và dệt nhuộm. Khi Dệt Bảo Minh đi vào hoạt động, chúng ta sẽ có thêm một đơn vị sản xuất vải dệt thoi hàng đầu tại Việt Nam với các hoạt động dệt, nhuộm và các công nghệ hoàn tất vải sợi”, ông Trần Đăng Tường, chia sẻ.
ĐẢM BẢO TIÊU CHÍ PHÁT TRIỂN XANH TRONG NGÀNH DỆT MAY
Còn theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT Dệt Bảo Minh- Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, hiện nay xu thế toàn cầu của khách hàng ngày càng hướng đến sự phát triển bền vững môi trường khiến cho nhiều nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới bắt buộc phải thay đổi phương thức sản xuất trong đó có nâng cao tiêu chuẩn về môi trường và xã hội.
Dệt Bảo Minh cam kết đi theo con đường phát triển bền vững và xanh hóa mà ngành dệt may Việt Nam đang phát động, nhằm đưa tới những sản phẩm tốt nhất và an toàn nhất cho sức khỏe người tiêu dùng, góp phần vào việc nâng cao hơn nữa vị thế của ngành dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Chính vì vậy, Nhà máy được đặt tại Khu công nghiệp Bảo Minh – một khu công nghiệp sinh thái kiểu mẫu hàng đầu tại khu vực phía Bắc. Khu công nghiệp này có hệ thống xử lý nước thải tập trung với công nghệ tiên tiến, đảm bảo 100% nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn loại A trước khi xả thải vào môi trường và được các cơ quan quản lý quan trắc online 24/7.
Bên cạnh đó, Dệt Bảo Minh đã đầu tư hơn 80 tỷ đồng bố trí khu vực nhà ở cho hơn 700 cán bộ công nhân với tổng diện tích sử dụng hơn 9.000m2 với 160 căn hộ có đầy đủ tiện nghi nội khu như hội trường, canteen, sân chơi thể thao, nhà để xe, mạng wifi… Ở đây, 100% người lao động được hưởng chính sách lưu trú hoàn toàn miễn phí.
GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ XÃ HỘI TẠI ĐỊA PHƯƠNG
Tại lễ khánh thành Nhà máy Dệt Bảo Minh, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết dệt may là một trong những ngành quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, đóng góp 15% tổng giá trị xuất khẩu và có tốc độ tăng trưởng cao, trung bình đạt trên 12% từ năm 2010 tới 2017.
Với hơn 6.000 nhà máy, cung cấp khoảng 3 triệu việc làm trên cả nước, tổng kim ngạch xuất khẩu dự báo cuối năm 2018 đạt 34,5 tỷ USD, ngành không chỉ quan trọng đối với nền kinh tế mà còn với xã hội Việt Nam. Tới đây, bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi có thể sẽ là một cơ hội tốt đối với ngành dệt may Việt Nam và việc nhanh chóng đưa nhà máy dệt nhuộm và hoàn tất công nghệ cao này vào hoạt động sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
Dịp này, Bộ Công Thương biểu dương mô hình nhà máy thân thiện với môi trường được hoàn thiện và tin tưởng Nhà máy Dệt Bảo Minh sẽ phát huy được hết năng lực sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động và lan tỏa trách nhiệm xã hội bền vững tới các doanh nghiệp khác.
Được biết, trong lễ khánh thành nhà máy, Công ty CP Dệt Bảo Minh đã dành ra 1 tỷ đồng để tài trợ cho hoạt động đền ơn đáp nghĩa xây dựng Đền tưởng niệm liệt sĩ và chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, qua đó càng làm thêm bền chặt tình cảm và sự gắn kết cùng phát triển giữa doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.
VĂN THIÊN LỘC