Cháy rừng đang tàn phá khủng khiếp ở Đông Nam Australia. Người Việt ở đây, trải qua đợt ô nhiễm đột ngột, đang hưởng ứng việc quyên góp để giúp ứng phó.
Sau khi dạo chơi gần một ngày trong thành phố Melbourne cùng nhóm bạn, Phạm Thị Tuyến cảm thấy khó chịu khi về nhà.
“Đêm về em không ngủ được luôn, lúc nào cũng cảm giác thở ra, thở vào mùi khói”, Tuyến nói với Zing.vn. “Ở thành phố khói mù mịt luôn, nhìn như Tam Đảo”.
Australia đã chống chọi với cháy rừng thảm khốc ở bang New South Wales trong vài tháng nay. Đầu tháng này, cháy rừng lan tới bang Victoria. Thủ phủ hai bang này lần lượt là Sydney và Melbourne, đều có những cộng đồng người Việt đã chịu ảnh hưởng bởi khói bụi từ cháy rừng.
Một số người Việt ở xung quanh Melbourne như Tuyến bất ngờ khi chất lượng không khí tệ đi đáng kể những ngày gần đây.
Khói bụi mù mịt do cháy rừng
“Đám cháy cũng xa thành phố, nhưng thành phố vẫn có khói, có cả ở các khu người Việt”, Tuyến, sinh viên ngành điều dưỡng đang sống ở St. Albans, bang Victoria, cách Melbourne 16 km về hướng tây bắc, cho biết.
Tương tự, Võ Anh Tuấn, 33 tuổi, làm việc tại một ngân hàng ở Melbourne, cho biết khi ra đường đi làm cách đây vài ngày, anh thấy mùi khói rất nồng nặc, và bắt đầu ho. Khi đi làm về buổi tối, anh đóng chặt cửa, hạn chế ra ngoài. Máy lọc không khí chạy công suất mạnh hơn và độ ô nhiễm cũng hơn hẳn bình thường.
“Hôm đó chất lượng không khí rất tệ, em tìm mua khẩu trang, nhiều nơi đã bán hết”, Ngọc Linh, 26 tuổi, sống tại Melbourne và đang làm việc cho một công ty du học, nói với Zing.vn. “Có thể ngửi được rõ mùi khét và xung quanh, tầm nhìn rất hạn chế”.
Chỉ số chất lượng không khí ở Melbourne, bình thường ở mức an toàn khoảng 10, có nơi lên tới mức không an toàn là 150 vào những ngày tệ nhất, theo một số người Việt sống trong khu vực.
Ngọc Linh cho biết bản thân không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi khói bụi, nhưng cách đây mấy hôm, chủ nhà của Linh vốn có tiền sử bị hen suyễn đã không thở được. Một số người khác nhạy cảm thì bị sặc, khó thở.
Những người Việt đều nói có bạn bè người Việt ở Sydney chịu ảnh hưởng nhiều hơn, phải đeo khẩu trang mỗi ngày, do cháy rừng đã diễn ra vài tháng nay ở New South Wales gây ô nhiễm không khí. Tuấn kể có ngày bầu trời New South Wales đỏ rực do khói bụi dày đặc, được một người bạn quay lại và gửi cho anh từ nơi ở cách đám cháy 10 km.
“Ở Australia hiện nay không ai là không quan tâm đến cháy rừng, nhóm bạn mình tụ tập ăn tất niên cũng thảo luận nhiều về vấn đề này”, Tuấn nói với Zing.vn.
Bạn của anh từ New South Wales dự định xuống Victoria để thăm anh dịp Giáng sinh vừa qua đã bị hủy chuyến xe buýt, vì đường New South Wales đi Victoria “có đoạn chạy qua rừng, quá nguy hiểm” khi đang xảy ra cháy rừng.
Người Việt hưởng ứng lời kêu gọi hỗ trợ
Tính tới 5/1, đã có ít nhất 24 người chết, hàng nghìn người phải sơ tán khỏi nơi ở vì các đám cháy rừng thảm khốc tại Australia, theo CNBC.
Ngoài ra, ước tính 480 triệu cá thể động vật thuộc các loài có vú, bò sát và chim đã chết trong đợt cháy rừng – sự mất mát khủng khiếp về đa dạng sinh học, theo các nhà sinh thái từ Đại học Sydney. Nhiều vùng ở đông nam Australia biến thành vùng đất chết.
“Thiên nhiên Australia quá đẹp, giờ cháy rừng thế này em thấy cũng buồn”, Ngọc Linh nói.
Thời tiết khô nóng ở nhiều vùng tạo điều kiện cho cháy rừng tiếp tục hoành hành. Vào những ngày nhiệt độ lên tới 45-50 độ C, phương tiện công cộng nối vùng ngoại ô buộc phải dừng chạy, theo Hiền Nguyễn, 25 tuổi, sinh viên MBA đang sống ở khu vực Melbourne.
Hiền kể rằng những ngày như vậy, bạn của cô ở xa không có tàu đi vào thành phố, buộc phải đi xe buýt mất 2 tiếng so với 45 phút nếu đi tàu. Hiền cũng bất ngờ vì không khí ở Melbourne ô nhiễm đột ngột.
“Mấy hôm trước em lên thành phố không hề nghĩ ô nhiễm đến vậy, khói mù mịt như sương mù, khó thở và khét một chút”, Hiền kể lại với Zing.vn.
“Có lúc mình muốn đi chơi, thấy không khí không ổn lắm nên chỉ ở nhà. Đi đâu cũng phải cẩn thận hơn”.
Hiền cho biết những ngày này ở trường cô có thông báo khuyến khích và hướng dẫn những ai muốn quyên góp, ủng hộ cho việc chữa cháy. Những người Việt ở Melbourne được hỏi đều nói họ chứng kiến việc quyên góp rộng rãi từ cộng đồng Việt cho các quỹ ứng phó cháy rừng.
Phạm Thị Tuyến, sinh viên điều dưỡng sống bên ngoài Melbourne, kể nhiều câu chuyện tích cực như vậy. Một nhà hàng của một người quen của cô ở Sydney dành ra tiền lãi và lương của nhân viên trong một ngày để quyên góp. Một nhà hàng khác ở Melbourne quyên góp bằng tiền boa (tip) của khách.
Cháy rừng – nỗi kinh hoàng với nông dân, lính cứu hỏa
Trên mạng xã hội, Tuyến thấy người Việt chia sẻ các trang để quyên góp, kêu gọi mua thịt hộp, cá hộp để chuyển tới cho đội chữa cháy, hoặc đăng bài hỏi xem đi tình nguyện chữa cháy như thế nào. Có người đăng bán túi xách không dùng nữa lấy tiền quyên góp.
Các siêu thị có quầy sẵn sàng tiếp nhận tiền ủng hộ của khách và sẽ hỏi xem khách có muốn quyên góp khi thanh toán hay không. Có nơi sẽ miễn phí giao hàng nếu khách ủng hộ tiền.
“Hôm qua, em đọc có người mua thuốc hết 50 AUD mà ủng hộ luôn 1.000 AUD”, Tuyến nói. “Còn em không có nhiều nên cách vài hôm lại gửi 5 AUD thôi”.
“Sydney cháy rừng mấy tháng nay rồi lan xuống Victoria chóng mặt quá, trước đó quyên góp cho Sydney, nên bây giờ mọi người lại quyên góp cho Victoria ngày càng nhiều”.
Tuyến và Võ Anh Tuấn, nhân viên ngân hàng ở Melbourne, đều nói nhiều người Việt đã hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ, dựa vào những hóa đơn hay xác nhận mà họ chia sẻ trên mạng xã hội sau đó.
Sự hỗ trợ đó được dành cho những người mất nhà cửa do cháy rừng, lực lượng cứu hỏa, và cả những trung tâm giải cứu gấu koala.
“Mới hai ngày trước, khi xảy ra cháy bất ngờ ở Victoria, một số người bị mất nhà, phải tập trung ở bãi biển”, Ngọc Linh cho biết. “Bạn em người Việt Nam đi theo một nhóm đã tập hợp quần áo, thực phẩm, rồi tới giao tận tay”.
“Có những người nông dân mất nông trại, vật nuôi cũng chết hết, vậy là mất kế sinh nhai”, Tuấn nói.
“Lực lượng cứu hỏa phải chiến đấu với đám cháy rất dữ dội, như các video đã cho thấy, có khi phải lái xe cứu hỏa vào những con đường lửa bao quanh, không thấy rõ đường đi”, anh nói thêm.
“Trong tai nạn, con người gắn kết hơn”
Nhiều doanh nghiệp Australia tri ân những người cứu hỏa, cảnh sát, bằng cách cho họ mua đồ ăn miễn phí, mua đồ giảm giá. Có ngân hàng cấp tín dụng 200 USD. Có công ty điện nước xóa nợ tiền điện nước cho những người mất nhà cửa do cháy rừng, cũng theo Tuấn.
Tuyến có một số khoản ủng hộ cho các cơ sở bảo vệ gấu koala, vì cô thích gấu koala và được biết gấu koala đang chết rất nhiều. Báo Telegraph mới đây cho biết ít nhất 25.000 gấu koala được cho là đã chết do cháy rừng, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng sống sót của loài này.
Cô nói cháy rừng để lại những câu chuyện buồn, thôi thúc cô ủng hộ tiền, như nửa tỷ động vật bị chết, như một số chủ trang trại có bò bị cháy phải bắn chết bò cho chúng đỡ đau, hay người sang giúp nhà hàng xóm đang cháy cuối cùng lại thiệt mạng.
Tuyến đang nói tới trường hợp Fred Becker ở East Gippsland, chết vị trụy tim ngày 1/1 sau khi chống chọi với lửa suốt 24 giờ, hỗ trợ hàng xóm.
“Người Việt và người dân Australia đang có thái độ tiêu cực với Thủ tướng Scott Morrison, nhất là sau vụ ông đi Hawaii trong lúc cháy rừng”, Ngọc Linh nhận xét.
“Cá nhân mình thấy chính phủ Australia phản ứng hơi chậm, không quyết liệt nên cháy rừng mới lan rộng như bây giờ”, Tuấn nêu ý kiến.
“Gặp thiên tai thế này mới thấy người Việt cũng rất chịu đứng lên đóng góp và giúp đỡ người khác”, Tuấn nói thêm, và cho biết các cộng đồng người nhập cư khác cũng có hoạt động giúp đỡ tương tự. “Trong tai nạn cũng cảm thấy con người gắn kết hơn”.
Tuyến cho biết trên mạng xã hội, mọi người kêu gọi nhau cẩn thận, ra ngoài nhớ uống nhiều nước, luôn đề phòng những gì dễ cháy. Thủ hiến của bang Victoria Daniel Andrews cũng kêu gọi hàng xóm gõ cửa hỏi thăm nhau, nhất là người già có thể bị sốc nhiệt.
“Mọi người tình cảm hơn rất nhiều, trước giờ vẫn vậy, nhưng đặc biệt lúc này khi mà thiệt hại quá lớn”, Tuyến nói.