Khi Công ty China Policy Limited – CPL “muốn là được” (?!)
Như Môi trường và Đô thị điện tử đã phản ánh, sau khi ký kết “Thỏa thuận khung” ngày 01/06/2007 liên quan đến Dự án “Khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa” (gọi tắt Dự án) tại huyện Đức Hoà, tỉnh Long An, thì xảy ra mâu thuẫn gay gắt dẫn đến tranh chấp giữa Công ty China Policy Limited (CPL) với chủ đầu tư là Công ty Hồng Phát.
Thay vì chấm dứt hợp tác, hai bên ngồi lại bàn cách giải quyết êm đẹp, cùng có lợi thì CPL khởi kiện tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) vào tháng 6/2012, yêu cầu tiếp tục thực hiện “Thỏa thuận khung” (thực chất là “Biên bản ghi nhớ”), lập Công ty liên doanh.
“Chiều” theo nguyên đơn, VIAC đã ra Phán quyết Trọng tài số 29/12 ngày 25/04/2013 đúng yêu cầu của CPL. Sau khi có Phán quyết Trọng tài “như ý”, CPL không thực thi mà dần lộ rõ ý đồ “chia đất”. Lấy lý do “thi hành Phán quyết Trọng tài”, CPL nhiều lần yêu cầu Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Long An phong toả 13 quyền sử dụng đất (QSDĐ) với 232,66 ha của Công ty Hồng Phát. Mục đích của CPL là làm cho Dự án bị ngưng trệ, từ đó, CPL ra mặt đòi chia 130 ha đất, cắt ra từ 13 QSDĐ của Công ty Hồng Phát.
Từ đó đề nghị của CPL, Cục THADS tỉnh Long An đã ra lệnh ngăn chặn toàn bộ 13 QSDĐ của Công ty Hồng Phát tại văn bản số 525/CTHA ngày 18/9/2017, sau đổi thành Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018 kéo dài đến nay. Công ty Hồng Phát xác định Quyết định số 07 là hoàn toàn trái quy định pháp luật, xâm hại đến QSDĐ, quyền sở hữu tài sản của Công ty Hồng Phát. Bởi Phán quyết Trọng tài không có nội dung nào buộc Công ty Hồng Phát có nghĩa vụ tài chính với CPL, nên Công ty Hồng Phát đã thực hiện quyền khiếu nại nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Việc ngăn chặn 13 QSDĐ không mang lại kết quả như ý, CPL đã gây áp lực, quyết triệt hạ, để Dự án bị “cấm vận” toàn diện, đẩy chủ đầu tư vào đường cùng, dẫn đến phá sản. Tại cuộc họp ngày 13/11/2019 do UBND tỉnh Long An tổ chức, ông Tong Kwok Lun (Tổng Giám đốc Công ty CPL) và Luật sư Lương Văn Trung (đại diện uỷ quyền của CPL) đã yêu cầu UBND tỉnh Long An buộc Công ty Hồng Phát chấm dứt phát triển Dự án trên phần diện tích 13 QSDĐ.
Trong thời hạn 02 tháng (60 ngày) kể từ ngày 13/11/2019 đề nghị Công ty Hồng Phát và CPL tiếp tục thực hiện Phán quyết Trọng tài. Sau thời gian trên UBND tỉnh căn cứ vào kết quả thỏa thuận sẽ báo cáo Chính phủ để xin chủ trương xử lý Dự án, nhằm tạo điều kiện cho kinh tế Long An phát triển và giải tỏa dư luận của nhân dân về Dự án kéo dài quá lâu chưa đưa vào khai thác, sử dụng”.
Chủ tịch tỉnh “sáng cho, chiều cấm”…
Việc Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần ký ban hành văn bản, can thiệp vào tranh chấp dân sự giữa hai doanh nghiệp, bằng “mệnh lệnh hành chính” là không thể chấp nhận được . Bởi, tất cả các văn bản cũng như quyết định hành chính của UBND tỉnh Long An luôn xác định rõ Công ty Hồng Phát là chủ đầu tư duy nhất của Dự án, liên tục thúc giục Công ty Hồng Phát khẩn trương thực hiện Dự án. Dưới đây là những minh chứng điển hình:
– Tại cuộc họp liên ngành ngày 17/3/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Long An lúc này là ông Đỗ Hữu Lâm, với vai trò là người chủ trì đã yêu cầu Công ty Hồng Phát tập trung nguồn lực, khẩn trương thực hiện Dự án. Bằng sự quyết tâm cao, Công ty Hồng Phát đã tìm nguồn tài chính và nộp đủ 210 tỷ đồng trước thời hạn 31/5/2017 theo yêu cầu của UBND tỉnh Long An, nhằm đảm bảo cho việc triển khai, thực hiện Dự án.
– Tại cuộc họp ngày 02/10/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Long An lúc này là ông Trần Văn Cần, đã khẳng định: UBND tỉnh Long An giữ quan điểm “Công ty Hồng Phát là chủ đầu tư của Dự án”. Tuy nhiên, Dự án đã kéo dài rất lâu, do đó UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty Hồng Phát tiếp tục triển khai và khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án. Tiếp đến là văn bản số 1872/BB-UBND do ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An kiêm Trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh, ký ngày 09/5/2018 có nội dung: “Công ty Hồng phát đã ký quỹ 210 tỷ đồng chứng minh năng lực tài chính triển khai thực hiện Dự án, yêu cầu công ty đẩy nhanh tiến độ thực hiện”.
– Ngày 12/7/2018, Chủ tịch Trần Văn Cần tiếp tục ký Văn bản số 2995/UBND-KT, thống nhất cho Công ty Hồng Phát tiếp tục triển khai thực hiện Dự án.
– Quan trọng nhất là cuộc họp ngày 11/10/2019 do UBND tỉnh Long An tổ chức, theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình tại Văn bản số 7832/VPCP-V.I ngày 30/8/2019 của Văn phòng Chính phủ. Cuộc họp do Chủ tịch Trần Văn Cần chủ trì với sự tham gia của: Đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục THADS cùng đại diện các cơ quan chức năng tỉnh Long An (Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban pháp chế HĐND tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Cục THADS tỉnh, Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh, UBND huyện Đức Hòa…).
Tại cuộc họp, CPL bất ngờ đòi “khai tử” Dự án để lấy phần đất 232,66ha chia cho CPL 130ha làm dự án riêng. Đồng thời, CPL đề nghị UBND tỉnh Long An buộc Công ty Hồng Phát chấm dứt phát triển Dự án trên phần diện tích đất 232,66ha.
Sau khi nghe đại diện các cơ quan dự họp nêu ý kiến, Chủ tịch Trần Văn Cần tái khẳng định:“Công ty Hồng Phát là chủ đầu tư của Dự án. Về đề nghị của CPL dùng biện pháp hành chính để yêu cầu Công ty Hồng Phát ngưng triển khai thực hiện Dự án là không có căn cứ pháp lý và hiện nay UBND tỉnh đang yêu cầu Hồng Phát đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo quy định của pháp luật”.
Quan điểm của Chủ tịch Trần Văn Cần rất rõ ràng, dứt khoát, thẳng thừng bác bỏ yêu cầu trái pháp luật của CPL tại văn bản số 76/BB-UBND ngày 24/10/2019. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Cần tổ chức họp nội bộ ngày 13/11/2019, bất ngờ đảo ngược mọi thứ, quay sang ủng hộ CPL, ra lệnh bằng Văn bản số 82/BB-UBND “cấm vận” Công ty Hồng Phát, tạm dừng thực hiện Dự án.
Đại diện Công ty Hồng Phát bức xúc:“Người đứng đầu chính quyền tỉnh mà tiền hậu bất nhất, “sáng cho, chiều cấm” rất “tuỳ hứng”, gây rối loạn Dự án nghìn tỷ, khiến chủ đầu tư lao đao! Trước đó, chính Chủ tịch Trần Văn Cần nhiều lần thúc giục Công ty Hồng Phát khẩn trương đầu tư và yêu cầu nộp cho tỉnh 210 tỷ đồng nhằm đảm bảo cho Dự án được triển khai. Rồi cũng chính ông Chủ tịch Cần ra lệnh “cấm vận” như muốn cô lập chủ đầu tư, bóp chết Dự án?”.
Dùng “mệnh lệnh” hành chính can thiệp vào tranh chấp dân sự của doanh nghiệp?
Trong Văn bản “kiến nghị khẩn cấp” (lần thứ 8), của Công ty Hồng Phát trình bày: Lệnh “cấm vận” trong 02 tháng của Chủ tịch Trần Văn Cần, nhưng kéo dài đến nay hơn 20 tháng vẫn chưa gỡ bỏ. Công ty Hồng Phát đã chứng minh đầy đủ, rõ ràng việc Chủ tịch UBND tỉnh Long An ban hành mệnh lệnh hành chính bóp nghẹt Dự án nghìn tỷ là trái với Luật Đầu tư, có dấu hiệu trái pháp luật vào tranh chấp dân sự của doanh nghiệp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thiệt hại cho Công ty Hồng Phát là 12,8 tỷ đồng.
Song hành với mệnh lệnh hành chính của Chủ tịch tỉnh Long An là lệnh ngăn chặn toàn bộ 13 QSDĐ của Cục THADS tỉnh Long An đã kéo dài gần 4 năm, khiến Công ty Hồng Phát phải gánh chịu thiệt hại hơn 872 tỷ đồng. Dễ nhận thấy, lệnh ngăn chặn này cũng liên quan trách nhiệm của Chủ tịch Trần Văn Cần với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh Long An.
Đại diện chủ đầu tư phản ứng gay gắt: Cả 02 lệnh ngăn chặn đã gây thiệt hại Công ty Hồng Phát đến nay khoảng 900 tỷ đồng. Lạ thay, cả hai lệnh này được ban hành theo yêu cầu của CPL với lý do “thi hành Phán quyết Trọng tài”. Thực tế nhiều năm qua, rõ nhất là từ đầu tháng 4/2019 CPL đã thoát ly thi hành án, tự “vô hiệu hoá Phán quyết Trọng tài”, ra mặt đòi “chia đất”. Công ty Hồng Phát đã gửi hàng loạt văn bản đến lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Long An cùng các cơ quan chức năng kiến nghị khẩn trương gỡ bỏ 02 lệnh “cấm vận”, để chủ đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện Dự án theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, ông Trần Văn Cần quyết “cấm vận” cho đến khi nghỉ hưu tháng 11/2020. Rồi 02 lệnh “cấm vận” này được duy trì cho đến nay, tiếp tục bao vây chủ đầu tư vào đường cùng, dẫn đến Dự án bị tê liệt, thiệt hại chồng chất.
Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Công ty Hồng Phát trân trọng gửi Văn bản kiến nghị đến Chủ tịch UBND tỉnh Long An kiêm Trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh Nguyễn Văn Út, khẩn trương xem xét, chỉ đạo xử lý 04 vấn đề sau:
Thứ nhất, xem xét chỉ đạo Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An thu hồi Quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018. Trường hợp tiếp tục duy trì Quyết định này thì tỉnh phải có hướng xử lý tiếp theo đối với 13 QSDĐ của Công ty Hồng Phát, không thể kéo dài việc phong tỏa 13 QSDĐ vô thời hạn.
Thứ hai, xem xét thu hồi Văn bản số 82/BB-UBND, ngày 13/11/2019. Đồng thời cho phép Công ty Hồng Phát tiếp tục triển khai hoạt động đầu tư trên toàn bộ diện tích Dự án theo Luật Đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan.
Thứ ba, xem xét chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân liên quan đến việc ban hành Quyết định số 07/QĐ-CTHADS và Văn bản số 82/BB-UBND trái pháp luật theo yêu cầu của CPL, và gây thiệt hại nghiêm trọng cho công ty Hồng Phát.
Thứ tư, xem xét chỉ đạo xử lý hành vi “không thi hành án” (Phán quyết Trọng tài) của CPL. Đồng thời, xác định trách nhiệm liên đới của CPL trong việc đưa ra yêu cầu trái pháp luật, ngăn chặn 13 QSDĐ của Hồng Phát và ngăn chặn chủ đầu tư triển khai thực hiện Dự án, vì CPL đã cam kết bồi thường nếu yêu cầu ngăn chặn sai.
Trong hoàn cảnh “một cổ hai tròng”, Công ty Hồng Phát vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào vai trò và sự lãnh đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Long An kiêm Trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh. Một lần nữa, chủ đầu tư Dự án trân trọng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Long An, khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc một cách công tâm, khách quan, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chính quyền phải luôn quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển…
Liên quan đến kiến nghị của Công ty Hồng Phát, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 2626/VPCP-V.I ngày 16/4/2021, truyền ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, chuyển đơn của Công ty Hồng Phát đến Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài nguyên – Môi trường và UBND tỉnh Long An để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thường trực HĐND tỉnh Long An cũng đã có Văn bản số 230/HĐND-TTDN ngày 04/5/2021 nêu rõ :“Thường trực HĐND tỉnh Long An nhận đơn của Cty Hồng Phát kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh có ý kiến chỉ đạo Cục THADS tỉnh chấm dứt thực hiện Quyết định số 07/QĐ-CTHADS của Cục THADS tỉnh; giải tỏa việc yêu cầu Công ty Hồng Phát tạm ngưng triển khai Dự án và tạm dừng thực hiện các Hợp đồng đã ký kết với các đối tác; làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân liên quan … Thường trực HĐND chuyển đơn đến Chủ tịch UBND tỉnh Long để xử lý theo thẩm quyền, thông báo kết quả cho Thường trực HĐND tỉnh theo quy định pháp luật”.
Đến nay, kiến nghị, kêu cứu của Công ty Hồng Phát vẫn rơi vào im lặng…
Ảnh: Hậu quả từ 02 Văn bản “tréo ngoe” (máy móc phơi nắng, phơi sương, hư hại).
Tường Minh/ (Theo Môi trường và Đô thị điện tử)
https://phapluatmoitruong.vn/long-an-mot-co-hai-trong-dn-khan-thiet-keu-cuu/