Sáng 23/11/2018, Hội Bảo vệ Môi trường TP.HCM đã tham gia sự kiện chính thức khai mạc “Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018 (Ho Chi Minh City Economic Forum 2018 – HEF 2018)”. Chủ đề chính của Diễn đàn lần này là “Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác – Vai trò động lực của doanh nghiệp”.
TP.HCM KHÁT VỌNG TÌM KIẾN MỘT LỐI ĐI PHÁT TRIỂN KINH TẾ 4.0
Đông đảo doanh nhân, chuyên gia, nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước – có đến hơn 600 người, đã đến dự sự kiện này với sự háo hức hiếm thấy. Đến dự sự kiện có lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND -Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn Lê Thanh Liêm.
Như trong đề dẫn đã nêu, TP.HCM luôn là đầu tàu kinh tế, một trong những trung tâm văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ lớn của Việt Nam. Bước vào thời đại kỹ thuật số với nền kinh tế 4.0, mục tiêu của TP.HCM là phát triển nhanh, bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, năng suất, hiệu quả; bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; xây dựng thành phố thông minh, đô thị sáng tạo…
Chính khát vọng nhanh chóng bắt nhịp và tiên trong trong nền kinh tế 4.0, Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2018 lần đầu tiên được tổ chức nhằm giới thiệu với các nhà đầu tư về kế hoạch xây dựng khu vực phía Đông theo xu hướng đô thị sáng tạo.
Đây là dịp để TP.HCM tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế về kế hoạch này và các biện pháp nhằm tăng cường sự gắn kết, tương tác giữa các thành phần trong xã hội đóng góp vào quá trình xây dựng đô thị sáng tạo hiệu quả và bền vững.
Các doanh nghiệp thật sự quan tâm đến bài phát biểu ngắn gọn của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ông Phong đã đưa ra thông điệp nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp trong việc xây dựng Khu đô thị s.á.n.g t.ạ.o, cũng như các sáng kiến để kết nối giữa 4 nhà: nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM, ông mong muốn các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu đề xuất các biện pháp hiệu quả giúp thành phố huy động được các nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là nguồn lực từ doanh nghiệp, để cùng chung tay, góp sức đưa thành phố phát triển trở thành một trung tâm khoa học công nghệ.
Về phía TP.HCM cũng đã triển khai Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017- 2020, tầm nhìn đến 2025, trong đó điểm nhấn là xây dựng Khu đô thị Sáng tạo tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, trên nền tảng phát triển kinh tế số và kinh tế tri thức. Khu đô thị sáng tạo này sẽ trở thành hạt nhân cốt lõi thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn và là nền tảng để triển khai Đề án Đô thị T.h.ô.n.g m.i.n.h trên toàn thành phố.
Việc triển khai Khu đô thị Sáng tạo càng thuận lợi hơn khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Đồng thời càng ý nghĩa hơn khi thành phố đang chuyển mình trở thành một siêu đô thị và đang đóng góp 23% tổng sản phẩm quốc nội, 30% thu ngân sách, 16% sản lượng công nghiệp, 15% kim ngạch xuất khẩu và chiếm 32% số lượng doanh nghiệp của cả nước.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cam kết, Chính quyền TP.HCM sẽ làm hết sức mình để doanh nghiệp thực sự trở thành động lực của đô thị sáng tạo. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, bảo đảm một môi trường kinh doanh thông thoáng, một khung pháp lý minh bạch; sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp và cung cấp cho quý vị những hỗ trợ tốt nhất
TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN “THÀNH PHỐ SÁNG TẠO” TẠI PHÍA ĐÔNG
Như ngay trong chủ đề, mong muốn của thành phố sẽ thúc đẩy một thành phố sáng tạo tại khu vực phía đông thành phố hiện hiện nay. Các vị lãnh đạo TP.HCM mong muốn được trao đổi và chia sẻ các nội dung cụ thể về: Xu hướng, các mô hình, vai trò, tác động của các đô thị sáng tạo đối với việc tăng tốc phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia, địa phương theo hướng phát triển nhanh và bền vững.
Đặc biệt, kinh nghiệm từ các diễn giả khách mời đến từ các nước đã có nền công nghiệp 4.0 thành công sẽ giới thiệu các mô hình, chính sách, cách để thu hút đầu tư, định hướng đầu tư và phát triển của doanh nghiệp; đề xuất các giải pháp thúc đẩy, tạo động lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp TP.HCM.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp ngồi phía dưới đã rất chăm chú theo dõi phần trình bày của ông Emmanuel San Andres – trưởng Dự án Nghiên cứu thành phố bền vững và Phát triển Đô thị, Cơ quan hỗ trợ Chính sách thuộc APEC, về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng phát triển mô hình đô thị sáng tạo.
Tiếp theo đó, tiến sị Kyosuke Nagata, hiệu trưởng trường Đại học Tsukuba (Nhật Bản) trình bày về xu hướng, các mô hình, vai trò, tác động của các đô thị sáng tạo đối với việc tăng tốc phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia và địa phương theo hướng phát triển nhanh và bền vững. Tiến sỹ Kyosuke Nagata đã nói nhiều về kinh nghiệm của Thành phố Tsukuba khi được Chính phủ lựa chọn phát triển là thành phố đại học.
Theo đó, 50 năm trước vùng đất Tsukuba chỉ là một vùng nông thôn, nhưng với những chính sách quyết liệt, các trường đại học của Nhật Bản được khuyến khích xây dựng tại đây. Đến nay, Tsukuba đã có 29 viện nghiên cứu của quốc gia và hơn 200 viện nghiên cứu của tư nhân. Với dân số 200.000 người thì đã có 20.000 người là các trí thức làm việc nghiên cứu tại các viện và trường đại học. Nhiều nhà nghiên cứu người nước ngoài cũng đến đây làm việc. Và năm ngoái đã có 4 viện nghiên cứu lọt vào Top 20 viện tại các thành phố trên thế giới được trích dẫn nguồn…
Với quy mô, ý nghĩa và tầm quan trọng cho sự phát triển của một đầu tàu kinh tế đất nước như TP.HCM, Diễn đàn Kinh tế TP.HCM dự kiến sẽ được tổ chức thường niên, nhằm cập nhật, kế thừa và phát triển những kết quả đạt được qua mỗi lần tổ chức…
VĂN MINH HOA