Hội thảo xu thế net zero trong xây dựng

10/03/2024 08:47

(231)

Sáng 10/3, tại Khu Công Nghệ Cao, TP. Thủ Đức. Phân viện Vật liệu xây dựng miền Nam (thuộc Viện Vật Liệu Xây Dựng – Bộ Xây dựng) phối hợp với các đơn vị: CLB Khởi Nghiệp Mộc; CLB Tâm Giao; CLB Doanh nhân kết nối; Hội Doanh nghiệp Quảng Ngãi (QNG); Hội ngành Cửa TP Hồ Chí Minh  tổ chức Hội thảo “Pháp luật đồng hành cùng doang nghiệp – xu thế net zero trong xây dựng”.

Hội thảo có sự tham dự của TS. Lưu Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện vật liệu xây dựng (VIBM); TS. Lê Văn Quang – Giám đốc SVIBM; Bà Nguyễn Hồng Thu – Chủ tịch CLB Khởi Nghiệp Mộc; Ông Võ Tấn Giỏi – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Quảng Ngãi; Bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Chủ tịch cộng đồng doanh nhân Tâm Giao; Ông Nguyễn Văn Anh – Chủ tịch Hội ngành cửa TP. HCM; Nhà báo Phạm Công Trình – Báo người cao tuổi, đơn vị truyền thông chính của hội thảo; cùng hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Trong đó, có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Cotecon, Solarvest (Malaysia), Đại diện Hongkongland, Công ty xây dựng Ngũ Thường, Công ty xây dựng VTCo, … Hội thảo đón nhận sự tham gia của hơn 30 gian hàng trưng bày sản phẩm, giới thiệu thông tin của các đơn vị và doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh giao lưu, tăng cường kết nối hợp tác giữa các đơn vị.

TS Lưu Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện VLXD – Bộ xây dựng phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Lưu Thị Hồng khẳng định vai trò, tầm quan trọng của xu thế Net Zero trong xây dựng, đồng thời đề cao vai trò của các doanh nghiệp cần quan tâm tới cải tiến sản phẩm, cải tạo công nghệ, chuyển đổi quy trình sản xuất để tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào, sử dụng các nhiên liệu thay thế, nguyên liệu tái chế thay thế nguyên nhiên liệu tự nhiên, áp dụng các công nghệ mới rút ngắn thời gian thi công, giảm thiểu chi phí nhân công trực tiếp và nguyên, nhiên liệu. Hướng tới mục tiêu đến năm 2050 Việt Nam sẽ giảm phát thải CO2 về mức 0 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26. Với vai trò là Viện nghiên cứu khoa học quốc gia, phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách trong lĩnh vật liệu xây dựng (VLXD), VIBM luôn sẵn sàng đồng hành hỗ trợ các tổ chức và doanh nghiệp thông qua các hoạt động giao thương, trao đổi thông tin, tư vấn, chuyển giao công nghệ, thí nghiệm kiểm định, đánh giá và chứng nhận sản xuất và xây dựng xanh.

Phân viện Vật liệu xây dựng miền Nam (SVIBM) thuộc Viện Vật liệu xây dựng– Bộ Xây dựng, thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, phục vụ quản lí nhà nước trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, SVIBM đã giới thiệu tổng quản về xu thế Net Zero toàn cầu, đồng thời, cung cấp thông tin về năng lực nghiên cứu, thí nghiệm, kiểm định, đánh giá chứng nhận các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh – một trong những đối tượng mục tiêu chính của xu thế Net Zero trong xây dựng.

Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày về xây dựng khu công nghiệp thông minh, lưới điện thông minh trong khu công nghiệp và giải pháp giảm phát thải carbon. Các nội dung trình bày đã thu hút sự quan tâm của người tham dự và các cơ quan truyền thông, nhận được nhiều câu hỏi trao đổi, bàn luận  về các kiến nghị và giải pháp để xây dựng khu công nghiệp thông minh. Nội dung Hội thảo tập trung phản ánh thực trạng xu thế Net Zero toàn cầu và các giải pháp, kết quả thực tế triển khai trong ngành xây dựng tại Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Văn Quang, Giám đốc Phân viện Vật liệu xây dựng miền Nam thuộc Viện Vật Liệu Xây Dựng – Bộ Xây dựng.

Tiến sĩ Lê Văn Quang, Giám đốc SVIBM cho biết: với mục tiêu giảm phát thải khí carbon, trung hoà carbon, hay phát thải bằng 0 (Net Zero), hiện đang là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia và tổ chức, nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Đồng thời, tạo diễn đàn trao đổi giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, về trạng thái không phát thải carbon dioxide hoặc có thể được hiểu là không thêm vào tổng lượng khí nhà kính thải ra khí quyển; nhằm góp phần cân bằng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, do hoạt động của con người. Và Net Zero có nghĩa là đạt được sự cân bằng giữa carbon thải vào khí quyển và carbon loại bỏ khỏi khí quyển.

Ông Nguyễn Thế Lim, CEO Công ty cổ phần tích hợp năng lượng IED chia sẻ về giải pháp Khu công nghiệp thông minh.

Để đạt được mức Net Zero, cần phải cắt giảm lượng khí thải từ nhà cửa, xây dựng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp, v.v. Nói cách khác, các ngành này sẽ giảm lượng carbon thải vào khí quyển. Nhưng trong một số lĩnh vực, như hàng không, sẽ quá phức tạp hoặc tốn kém để cắt giảm hoàn toàn lượng khí thải. Những lượng khí thải còn sót lại sẽ cần phải được loại bỏ khỏi khí quyển bằng cách thay đổi cách chúng ta sử dụng đất của mình để đất có thể hấp thụ nhiều carbon dioxide hơn hoặc bằng cách được chiết xuất trực tiếp thông qua các công nghệ được gọi là thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon.

Ông Phùng Minh Phước, chuyện viên xây dựng Công ty cổ phần tích hợp năng lượng IED

Ông Phùng Minh Phước, chuyện viên xây dựng Công ty cổ phần tích hợp năng lượng IED chia sẻ: xây dựng thông minh là một khái niệm ngày càng được chú trọng trong ngành công nghiệp xây dựng hiện đại. Bằng cách tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và các công nghệ mới, xây dựng thông minh hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích vượt trội cho việc xây dựng các công trình từ nhỏ đến lớn.

Thăm quan các gian hàng tại hội thảo.

Một trong những ưu điểm quan trọng của xây dựng thông minh là tăng cường hiệu suất và năng suất công việc. Công nghệ thông minh cho phép tự động hóa các quy trình xây dựng, giảm thiểu sự phụ thuộc vào lao động thủ công và tối ưu hóa sử dụng nguồn lực. Hơn nữa, sự kết hợp của trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu giúp dự đoán và ứng phó với các vấn đề tiềm năng, từ việc phát hiện lỗi trong kết cấu đến dự báo tiến độ và nguồn lực cần thiết. Điều này giúp tăng cường quản lý dự án và đảm bảo sự liên tục và chất lượng của công trình, v.v.

Không chỉ mang lại hiệu suất và tiện ích, xây dựng thông minh còn đóng góp vào việc xây dựng bền vững. Các công nghệ xanh được tích hợp vào quá trình xây dựng thông minh giúp giảm thiểu tác động đến môi trường và tài nguyên tự nhiên. Sử dụng vật liệu xanh, hệ thống tiết kiệm năng lượng và tái chế, xây dựng thông minh góp phần vào việc xây dựng các công trình thân thiện với môi trường và hướng tới sự bền vững.

Bà Nguyễn Hồng Thu, Chủ tịch CLB khởi nghiệp Mộc.

Bà Nguyễn Hồng Thu, Chủ tịch CLB khởi nghiệp Mộc, Đại diện BTC trân trọng cám ơn các CLB, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đồng hành cùng chương trình, trên tinh thần học hỏi kinh nghiệm, đoàn kết, hữu nghị tạo giá trị phát triển kinh tế, xã hội cho TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Đây là lần đầu SVIBM cùng nhiều CLB, Doanh nghiệp tổ chức Hội thảo. Với mong muốn tạo “sân chơi” cho các doanh nhân, doanh nghiệp cùng nhau đoàn kết tháo gỡ khó khăn; chủ động, tích cực tìm kiếm thị trường, phát triển thương hiệu, sản phẩm, liên doanh liên kết, duy trì ổn định phát triển sản xuất kinh doanh; góp phần giúp nhà quản lí về “Xu thế Net zero trong xây dựng” tức giảm phát thải ra môi trường đến mức thấp nhất bằng 0.

Kết thúc Hội thảo, Ban Tổ chức đã trao chứng nhận thay lời cảm ơn tới các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đã tham gia đồng hành, góp phần tạo nên sự thành công của hội thảo, tạo sức lan tỏa và kết nối trong cộng đồng khoa học và doanh nghiêp trong việc tiến tới mục tiêu Net Zero. Được biết, đây là lần đầu SVIBM cùng nhiều CLB, Doanh nghiệp tổ chức Hội thảo. Ngoài các mục đích nêu trên, còn mong muốn tạo “sân chơi” cho các doanh nhân, doanh nghiệp cùng nhau đoàn kết tháo gỡ khó khăn; chủ động, tích cực tìm kiếm thị trường, phát triển thương hiệu, sản phẩm, liên doanh liên kết, duy trì ổn định phát triển sản xuất kinh doanh.

Minh Thắng

Đọc thêm

lên đầu trang