Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM tham gia góp ý Chính sách tăng thuế Bảo vệ Môi trường đối với một số hàng hóa

20/11/2019 06:13

(106)


Vừa qua (19/11/2019), tại TPHCM, Viện Khoa học Môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường) đã tổ chức buổi Hội thảo góp ý nội dung tham vấn về “Thực trạng gây ô nhiễm môi trường của một số ngành hàng hóa trong quá trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ tại Việt Nam và kinh nghiệm một số nước về đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường”.

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã tham dự và có bài tham luận phát biểu tại hội thảo. Hội thảo lần này cũng quy tụ các đại biểu của những đơn vị quản lý Nông nghiệp; Sở Tài Nguyên – Môi trường và ngành Thuế tại TP.HCM; các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh Phân bón, thuốc Bảo vệ Thực vật, hàng Nhựa, Thuốc lá…

Hội thảo tăng thuế môi trường

Theo ông Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, trong năm 2019 viện này đã được giao nhiệm vụ điều tra, khảo sát xây dựng danh mục đối tượng bổ sung chịu thuế bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, Với mục tiêu lấy ý kiến tham vấn các cơ quan, ban ngành, các chuyên gia tại địa phương để thực hiện nhiệm vụ, hội thảo lần này đã có nhiều đóng góp ý kiến từ thực tế của các hiệp hội ngành hàng, chuyên ngành và đặc biệt là tham vấn ý kiến từ hội chuyên hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Nhiều đại biểu trong hội thảo đã nêu thực trạng tình hình thị trường vẫn còn lưu hành nhiều sản phẩm, thậm chí rất quen thuộc, nhưng tiềm ẩn những tác động tiêu cực lên môi trường và sức khỏe con người. Thạc sĩ Trần Thị Thu Anh đến từ Viện Khoa học Môi trường đã trình bày một báo cáo về các vấn đề đang diễn ra được các đại biểu bàn luận và phân tích. Trong đó lưu ý tới 9 ý kiến súc tích góp ý cho bản Dự thảo nhằm từ đó đưa ra các chính sách thuế phù hợp để khuyến khích phát triển hay hạn chế.

Về cơ bản, các đại biểu đồng ý với 2/3 danh mục sản phẩm do phía Viện Khoa học Môi trường đề xuất, nhưng từ các ý kiến phản biện cũng đã có tới những ý kiến chưa đồng ý chiếm 1/3 đối tượng còn lại.

Chẳng hạn, những phát biểu của đại diện từ ngành sản xuất phân bón, chế phẩm bảo vệ thực vật và kích thích sinh trưởng đã nêu những bất cập ảnh hưởng đến chất lượng canh tác và giá cả thị trường khi sản phẩm bị áp thuế môi trường. Còn ý kiến từ một đơn vị ngành nhựa là mong có những chủ trương được hướng dẫn rõ ràng để họ định hướng thị trường và muốn có được những thông tin thuế quan đầy đủ, từ đó mới có hướng đầu tư công nghệ và trình độ máy móc thiết bị phù hợp.

Những phát biểu từ ngành Thuế và các đơn vị quản lý thì chia sẻ những khó khăn trong khâu triển khai thực hiện và đề nghị có thêm những khảo sát chuyên môn cần thiết trong đánh giá tác động môi trường để có tiêu chí đánh thuế phù hợp, chính xác, được dư luận đồng tình và doanh nghiệp chịu thuế chấp nhận.

Tham luận của ông Lê Hùng, đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường TP.HCM, đã nêu quan ngại về những ẩn họa bất lợi cho quỹ đất nông nghiệp do hạn hán, lũ lụt, sa mạc hóa, ngập mặn từ biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến cơ cấu cây trồng, vật nuôi và sản lượng, đe dọa an ninh lương thực…

Ông Lê Hùng cũng phân tích về tác động nguy hại của nhiều loại phân bón lên môi trường mà hiện nay cũng chưa được các cơ quan nghiên cứu đầy đủ và cụ thể. Với những gì Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM đã khảo sát, về phía Hội kiến nghị tạm thời chưa đánh thuế môi trường lên các sản phẩm bảo vệ thực vật, phân bón hóa học bởi vì chúng ta đang khuyến khích tăng năng suất cây trồng và đảm bảo an ninh lương thực.

Điều mà Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM lo ngại từ thực tế về tình trạng ô nhiễm môi trường đang là vấn nạn lớn hiện nay do phát thải tạp khí, carbon, bụi mịn, nhựa và vi hạt nhựa… Từ đó, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM đề nghị thêm trong danh mục cần đánh thuế môi trường là những đối tượng có thể gây nên tác nhân này như vàng mã, tất cả các bao bì nhựa PP, PS, PVC, PET dùng 1 lần –không chỉ là PE như hiện hành. Thậm chí, ngay cả những bao bì “thân thiện với môi trường” chỉ phân rã chứ không phân hủy sinh học nhưng đang “đắt giá” trên thương trường cũng cần đánh thuế vì người tiêu dùng thiếu những thông tin khoa học cần thiết…

Phát biểu tổng kết của PGS TS Phạm Văn Lợi cho thấy rằng, với tình trạng hội thảo chưa có nhất trí cao và nhiều tranh luận trái chiều như thế, bản Dự thảo này cần có đầy đủ hơn những nghiên cứu khảo sát về tác động môi trường của những đối tượng trong danh mục và thu thập thêm ý kiến từ nhiều chủ thể liên quan để có tiêu chí đánh giá hợp lý, khoa học. Từ đó, Viện Khoa học Môi trường sẽ đúc kết một bản kiến nghị thật hoàn chỉnh các phân tích thực trạng một số hàng hóa gây ô nhiễm và đề xuất áp thuế môi trường gởi đến Chính phủ trong thời gian tới.

Đọc thêm

lên đầu trang