Hà Giang – Bức tranh thiên nhiên kỳ ảo
(263)
Tỉnh Hà Giang là vùng đất ở cực Bắc của nước ta, giống như hình chiếc nón, chở che nơi đầu cầu biên giới đất liền dài gần 300km với Trung Quốc. Còn trên thực địa, thiên nhiên đã ban tặng cho Hà Giang những nét quyến rũ và vẻ đẹp “độc chiêu” mà những vùng đất khác không thể nào có được.
Du lịch Hà Giang mang đến nhiều trải nghiệm thú vị với cảnh thiên nhiên hùng vĩ, kỳ ảo của hệ thống sông, suối, núi, cao nguyên hiểm trở. Nơi đây nổi tiếng với nhiều thắng cảnh được thiên nhiên kỳ tạo: cao nguyên Đồng Văn, đỉnh Tây Côn Lĩnh, cổng trời Quản Bạ, cột cờ Lũng Cú……
Để có được một chuyến du lịch tuyệt vời hãy cùng tìm hiểu những chia sẻ về Hà Giang dưới đây nhé:
1. Vẻ đẹp hoang sơ, hiếm có của Hà Giang
Du lịch Hà Giang mang đến nhiều trải nghiệm thú vị với cảnh thiên nhiên hùng vĩ, kỳ ảo của hệ thống sông, suối, núi, cao nguyên hiểm trở. Nơi đây nổi tiếng với nhiều thắng cảnh được thiên nhiên kỳ tạo: cao nguyên Đồng Văn, đỉnh Tây Côn Lĩnh, cổng trời Quản Bạ, cột cờ Lũng Cú……
Đến Hà Giang, du khách không chỉ được đắm mình vào khung cảnh thiên nhiên đất trời bao la mà còn được thưởng thức phong tình của các nền văn hóa khác nhau, với những đặc trưng riêng của từng dân tộc: Mông, Tày, Mường, Thái…
Những nét đẹp vừa hoang sơ, bừa hùng vĩ của Hà Giang chính là yếu tố chiếm trọn trái tim của du khách, của những người đam mê khám phá. Hà giang mang trong mình những giá trị rất riêng từ con người cho đến cảnh vật mà khi nhìn vào ai cũng phải thôt lên “Thật đẹp!” .
Khoác lên mình chiếc áo rực rỡ sắc màu thiên nhiên từ cỏ cây hoa lá,những đám ruộng bậc thang nhấp nhô, những cung đường gợn sóng cho đến những cao nguyên đá chập chùng, Hà Giang mùa nào cũng đẹp và hùng vĩ bất chấp thời gian, hoa nở quanh năm với các màu sắc diệu kỳ như: vàng vàng của hoa cải và lúa chín, xanh xanh của mạ non, tim tím của hoa tam giác mạch, trắng muốt của hoa mận.
Hà Giang mang trong mình nét đẹp đơn sơ, chân thật nhưng lại lôi cuốn đến lạ lùng. Hãy một lần đến với Hà Giang để tận hưởng những gì tinh túy nhất mà thiên nhiên ban tặng cho nơi này, để phải ngỡ ngàng trước vẻ mỹ lệ của thiên nhiên nơi địa đầu Tổ quốc ấy.
2. Thời gian thích hợp để đi du lịch Hà Giang
Bất kể mùa nào trong năm Hà Giang cũng không thể làm bạn thất vọng, bởi chỉ những con đường chạy trong núi đá Cao Nguyên cũng đã đủ hấp dẫn bạn đến thăm rồi. Một số thời điểm đẹp trong năm:
Tháng 1 với hoa đào, hoa mận, hoa cải vàng
Mùa xuân đến, nơi nơi nào là hoa đào, mận, cải khoe sắc cùng với nền đá đen của cao nguyên đá, với những nếp nhà trình tường.
Tháng 4 với Chợ tình Khâu Vai
Chợ tình Khâu Vai (còn gọi là chợ tình Khau Vai, hay chợ tình Phong Lưu) nổi tiếng với sự độc đáo “có một không hai” đã thôi thúc bao người tìm về “bến đợi yêu thương” để trải nghiệm, khám phá và tìm cho mình một cảm xúc riêng.
Hàng năm, huyện Mèo Vạc tổ chức Lễ hội Chợ tình Khâu Vai với quy mô Tuần văn hóa du lịch diễn ra trong 3 ngày (từ 25 – 27/3 âm lịch) gồm nhiều hoạt động văn hóa đa dạng và phong phú, như: lễ dâng hương tại miếu Ông, miếu Bà; triển lãm các tác phẩm nghệ thuật với chủ đề “Khâu Vai, điểm hẹn của tình yêu đôi lứa”; chương trình nghệ thuật tái hiện lại chuyện tình của chàng Ba và nàng Út; hội thi đua ngựa, thi chim họa mi…
Tháng 5 với mùa nước đổ ải
Mùa nước đổ thì đa phần ruộng Tây Bắc nước ta đổ ải vào tầm tháng 5 – 6, ít nơi tháng 7, một vài thửa có thể tích nước từ tháng 4; nhưng đẹp nhất vẫn là lúc đang cấy dở, tầm tháng 5 – 6.
Tháng 9, 10 với mùa lúa chín
Mùa lúa chín thì thường bắt đầu vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch. Ngoài việc thưởng lãm cảnh đẹp, du khách cũng có cơ hội cùng đồng bào dân tộc thưởng thức những món ăn ngon và nét đẹp văn hóa để mừng vụ mùa bội thu.
Tháng 11 với mùa hoa tam giác mạch
Vào tháng 10 và 11 hàng năm, khi đến với Hà Giang chúng ta có thể bắt gặp được những cánh đồng hoa tràn ngặp sắc hồng. Những thửa ruộng, nương hoa tam giác mạch đua nhau khoe sắc tạo nên một bức tranh thiên nhiên hoàn mỹ mà bất kỳ ai cũng muốn ngừng lại ngắm nhìn.
Tháng 12 với tuyết rơi
Không cần phải qua tận trời Tây hoặc sang Hàn Quốc, Nhật Bản,… để hiện thức hóa giấc mơ được một lần chạm tay vào những bông tuyết trắng xóa, bởi ngay trên đất nước mình bạn cũng sẽ có…
Trên địa bàn huyện Mèo Vạc, thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn, nhiều địa điểm có tuyết rơi trắng trời vào cuối tháng 12, du khách hiếu kỳ từ nhiều nơi đã may mắn được thưởng thức khung cảnh có một không hai trong năm.
3. Phương tiện di chuyển đến Hà Giang
Nếu đi bằng ô tô: Từ Hà Nội, bạn nên đi xe khách đêm Hà Nội – Hà Giang xuất phát từ bến xe Mỹ Đình lúc 9h tối và tới 5h sáng sẽ đến Hà Giang (xe giường nằm cao cấp, liên hệ đặt chỗ qua điện thoại. Một số nhà xe uy tín là: Bằng Phấn, Hưng Thành, Hải Vân…). Giá từ 260.000 – 300.000 đồng/người.
Từ Sài Gòn, căn cứ giờ xe ô tô chạy ở Hà Nội để đặt vé máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội (thời gian bay mất khoảng 2h). Điểm đón khách của nhà xe cách sân bay Nội Bài hơn 1km nằm ngay ở đoạn rẽ ở QL2 Hà Nội đi Hà Giang.
Sau khi đến Hà Giang, bắt xe khách nội tỉnh để di chuyển giữa các địa danh hoặc thuê xe máy để di chuyển.
Nếu đi bằng xe máy: Tùy vào thời gian của chuyến đi mà bạn lựa chọn cung đường thích hợp cho mình như một số gợi ý dưới đây:
– Hà Nội – Hà Giang – Quản Bạ – Yên Minh – Đồng Văn – Mã Pí Lèng – Mèo Vạc – Bắc Mê – TP Hà Giang – Hà Nội.
– Mèo Vạc – Lũng Pìn – Mậu Duệ – Du Già – Hà Giang – Hà Nội.
– Niêm Sơn (Hà Giang) – Bảo Lộc (Cao Bằng) – Bắc Kạn – Hà Nội.
– Hà Nội – TP Hà Giang – Bắc Quang – Tân Quang – Hoàng Su Phì – Xín Mần – Cốc Pài – Lào Cai – Hà Nội.
4. Những khách sạn, nhà nghỉ uy tín
Nhà nghỉ trên Hà Giang rất phong phú, giá cả từ 150.000 – 500.000 đồng/ngày. Trước khi đi, bạn nên tham khảo giá phòng trên các trang web và các phần mềm trên điện thoại như Vntrip, agoda, traveloka,…
5. Đặc sản Hà Giang
Thịt trâu gác bếp: Thịt trâu gác bếp là món ăn truyền thống trong các bữa ăn của người Thái Đen. Đây là một món ăn vô cùng độc đáo mà bất kể du khách nào đến Hà Giang cũng nhớ mãi hương vị khi được thưởng thức một lần.
Thắng cố
Một trong những món đặc sản không thể không kể đến ở Hà Giang là món thắng cố. Theo các già bản nơi đây kể thì thắng cố biến âm từ tên gọi “thảng cổ”, có nghĩa là canh xương. Trong nồi thắng cố chủ yếu là xương, thịt gia súc cùng lục phủ ngũ tạng, chủ yếu là thịt ngựa, thịt bò. Thịt được cắt thành những miếng nhỏ, cho vào một chảo lớn được đun trên bếp củi thơm lừng.
Cháo ấu tẩu
“Chưa ăn cháo ấu tẩu thì chưa đến Hà Giang” – câu nói quả thực đã in hằn trong tâm trí mỗi người nên ai đến đây cũng phải thưởng thức hương vị món đặc sản này.
Rêu nướng
Rêu nướng được xem là món ăn lạ lùng ở Hà Giang. Món ăn vừa ngon, vừa bổ có vị rất riêng này là đặc sản không thể bỏ qua nếu bạn đến mảnh đất Hà Giang.
Mèn mén
Có thể hiểu mèn mén đơn giản là bột ngô tẻ được chế biến qua nhiều công đoạn rồi đem hấp chín. Muốn mèn mén ngon thì đồ là khâu quan trọng nhất. Người ta thường đồ lại hai lần để ngô chín kỹ và không bị dính vào nhau.
Lạp sườn
Lạp sườn là món ăn không thể thiếu ở vùng cực Bắc Tổ quốc. Chế biến lạp sườn rất công phu, trước tiên đem lòng lợn non rửa sạch nhiều lần, lần cuối cùng là rửa bằng rượu sau đó phơi khô rồi thổi vào thành bong bóng để làm vỏ bọc bên ngoài.
Rượu ngô
Hà Giang có món rượu ngô làm lưu luyến người đến, nao lòng người đi. Rượu ngô được nấu từ ngô do chính đồng bào dân tộc trồng, ngô được ủ với loại men lá truyền thống.
Măng cuốn thịt
Hà Giang được xem là thiên đường của ẩm thực. Măng cuốn thịt là món ăn thanh nhã mang đậm hương vị của vùng núi Đông Bắc.
Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc từ lâu được biết đến là ẩm thực không thể bỏ qua khi đến Hà Giang. Nguyên liệu để làm xôi ngũ sắc gồm gạo nếp thơm dẻo, hạt đều không lẫn tẻ, trộn với các loại lá cây rừng thành 5 màu khác nhau. Màu đỏ của gấc hoặc lá cơm đỏ, màu xanh từ lá gừng, lá cơm xôi xanh hoặc vỏ bưởi, màu vàng của lá nghệ, màu tím lá cơm đen hoặc lá cây sau…
Gà Mèo
Là giống gà đen đặc biệt, chỉ riêng có ở vùng cao núi đá này. Thịt gà mèo ăn béo, không nát, chắc mà không dai. Gà có thể luộc, rang và nấu canh gừng đều rất ngon và lạ miệng.
Bánh cuốn phố cổ Đồng Văn
Đây là món ăn mà du khách thường lựa chọn cho bữa sáng của mình khi tới Hà Giang du lịch. Một “món lạnh” được ăn cùng chén nước lèo ninh xương nóng hổi, bạn sẽ cảm thấy ấm bụng hơn trong thời tiết se se lạnh ở vùng cao nguyên đá này.
Chè shan tuyết
Loại chè này sạch, khi chăm sóc, người dân sử dụng biện pháp tự nhiên nên không hề có những hóa chất độc hại. Và chè Shan tuyết được thu hoạch 4 vụ trong năm nên tới Hà Giang, du khách đến Hà Giang vào thời điểm nào cũng có thể thưởng thức hương vị thơm ngon của trà Shan tuyết.
Mật ong bạc hà
Mật ong bạc hà là đặc sản dân dã quý hiếm và được nhiều người ưa chuộng nhất khi đến Hà Giang. Mật ong bạc hà có vị ngọt thanh, dịu nhẹ và thoảng mùi hương hoa bạc hà có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe của con người. Là bài thuốc dân dã có công dụng chữa các bệnh về hô hấp, đường tiêu hóa, làm mịn và hồng da.
Cơm lam Bắc Mê
Cơm Lam được làm từ gạo nếp nương, rồi nướng trong một ống tre nứa, dài. Vị cơm lam thơm và ngọt, ăn dẻo và bùi bùi, du khách đến Hà Giang không chỉ thưởng thức mà còn mua về làm quà rất nhiều.
6. Các điểm tham quan không thể bỏ qua
Cao nguyên đá Đồng Văn:
Là một huyện địa đầu Tổ quốc, nơi có điểm cực Bắc Lũng Cú. Đến nơi đây, bạn sẽ cảm nhận sâu sắc nhất về niềm tự hào Tổ quốc.
Cổng trời Sà Phìn:
Cách huyện Đồng Văn 15km về phía huyện Yên Minh, cổng trời là điểm dừng chân không thể bỏ qua với bất kỳ ai khi đến với Hà Giang. Từ cổng trời, bạn có thể thu vào tầm mắt thung lũng Sà Phìn thơ mộng, lâu đài của vua Mèo Vương Chí Sình.
Lâu đài vua Mèo từng là dinh thự của bậc đế vương xưa, là một công trình có kiến trúc đẹp, hiếm có và rất độc đáo của vùng cao nguyên này.
Mã Pí Lèng:
Được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất đèo”, Mã Pí Lèng là con đèo đẹp và hùng vĩ nhất miền núi phía Bắc Việt Nam với một bên là vách núi cao dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút. Đứng từ đỉnh đèo nhìn xuống là con sông Nho Quế bốn mùa xanh trong uốn lượn, như một sợi chỉ cắt ngang những dãy núi đá tai mèo nhọn hoắt, là nơi mà mây, núi, trời, sông hội tụ.
Chợ tình Khau Vai:
Khau Vai quyến rũ du khách với phiên chợ tình có một không hai ở Việt Nam: Phiên chợ dành cho những người yêu có tình yêu dang dở, đã yêu nhưng lỡ duyên, không đến được với nhau. Chợ họp vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm.
Núi đôi Quản Bạ:
Núi đôi Quản Bạ là một “tác phẩm nghệ thuật” của tạo hóa ban tặng cho vùng đất này. Núi có hình dáng như bầu ngực của người thiếu nữ xuân thì, tròn căng, đầy sức sống khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hóa.
Cột cờ Lũng Cú – “Nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên của bản đồ Tổ quốc”:
Cột cờ Lũng Cú – “nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên của bản đồ Tổ quốc”, mà bất kỳ ai là con lạc cháu hồng đều muốn được chinh phục một lần điểm cực Bắc thiêng liêng.
Dinh thự họ Vương – Viên ngọc xanh giữa lòng cao nguyên:
Viên ngọc xanh giữa lòng cao nguyên đá – Dinh thự họ Vương. Dinh thự xinh đẹp hình chữ Vương được bao quanh bởi hàng cây sa mộc, vẫn được bảo tồn một cách nguyên vẹn sau bao thăng trầm lịch sử, mưa gió dập vùi, mang theo nó là một câu chuyện lịch sử vô cùng hấp dẫn.
Phố cổ Đồng Văn – Nét kinh kỳ giữa lòng cao nguyên đá:
Thị trấn Đồng Văn nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc. Khu phố cổ có vẻn vẹn 40 nóc nhà, nằm xếp vào nhau dưới núi đá. Buổi sớm, bức tranh phố cổ là sự pha trộn đến tài tình hai tông màu: màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì – Kỳ công lao động rực rỡ mùa vàng:
Ruộng bậc thang đã được đồng bào khai thác từ hàng trăm năm nay, thay thế cho việc làm nương làm rẫy, hết đời này qua đời khác, con người nơi đây lấy ruộng bậc thang làm kế sinh nhai. Ruộng bậc thang cũng đánh dấu quá trình định canh định cư, đem lại cuộc sống ấm no hơn cho các hộ gia đình.
Thung lũng Sủng Là – “Nơi đá nở hoa”:
Sủng Là như một bức tranh thiên nhiên thanh bình, xinh đẹp; nằm giữa những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô, thâm sẫm một màu, những ngôi nhà vững chãi với mái đã phai màu thời gian. Màu xanh non của ngô, lúa chen lẫn với màu hồng của hoa tam giác mạch; màu vàng của nắng; cùng màu xanh đậm của rừng sa-mu sừng sững giữa đất trời.
Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám – Báu vật của người Mông:
“Thổ cẩm là báu vật của Lùng Tám. Khắp vùng cao Hà Giang, chỗ nào người Mông sinh sống, ở đó có thổ cẩm; nhưng để sản phẩm thổ cẩm được gìn giữ, phát huy và tỏa sáng thì hiện chỉ duy nhất ở Lùng Tám làm được”, trích lời ông Hạng Dương Thành, Chủ tịch UBND xã Lùng Tám.
Ngoài ra còn có cửa khẩu Thanh Thủy, hồ Noong, cửa khẩu Phó Bảng…
7. Một số lưu ý khác khi đi du lịch Hà Giang
Khi đi vào bản:
Khi vào bản, làng, vào nhà dân, nếu trên đường có cắm “lá cây xanh” hoặc cắm “cọc dấu” thì không nên vào. Vì dân làng (hoặc chủ nhà) đang kiêng người lạ đến.
Khi vào bản làng vùng đồng bào dân tộc (hoặc trong nhà dân) cần lưu ý những điểm sau:
Trong ứng xử đối với thiên nhiên:
– Không vào khu rừng kiêng, rừng cấm;
– Không gây mất vệ sinh nơi có nguồn nước sinh hoạt;
– Không chặt, phá cây đã được dánh dấu;
– Không lấy măng, mộc nhĩ, tổ ong khi đã có người khác đánh dấu sở hữu.
– Không bẻ mầm non đang mọc
Trong ứng đối với cộng đồng:
– Khi vào nhà không được đi thẳng một mạch từ (cầu thang lên nhà) đầu nhà vào bếp trong (thường có 2 bếp, 1 bếp ngoài dành cho khách).
– Không ngồi vào cửa móng ( cửa sổ gian tiếp khách)
– Không ngồi ngay vào đệm ngồi khi chủ nhà ch¬a mời ( thường dành cho bề trên và khách quý).
– Không ngồi dạng chân (thiếu mỹ quan)
Khi ngồi cạnh bếp lửa cần lưu ý:
– Không được dùng chân đẩy củi vào bếp
– Không được đưa ngược ngọn tre, luồng, cây củi và bếp (quan niệm đẻ ngược).
– Không nướng cơm đồ ( xôi) vì quan niệm mất mùa
Khi đi ngủ cần lưu ý:
– Không nằm ngủ dọc theo đòn nóc nhà ( chỉ người chết mới được nằm như vậy)
– Không nên mắc màn trắng vì lộ liễu
– Không ngủ dậy quá muộn
– Không được ngủ dưới bàn thờ
Khi tiếp xúc với dân cần chú ý:
– Cần tránh từ kiêng, từ miệt thị dân tộc (Ví dụ như: dân tộc Mèo, Mán là tên gọi trước kia chỉ dân tộc Mông, Dao)
– Không nên nói quá to với cử chỉ gay gắt
– Không tranh cãi với người già, phụ nữ và trẻ em
– Không xoa đầu trẻ em
Khi ngồi ăn cơm cần chú ý:
– Không ngồi ngang hàng với người già nhất trong mâm (nếu chủ nhà không mời)
– Không ngồi trước và quay lưng vào bàn thờ
– Không gắp đầu gà chân gà, gan gà trước khi chủ nhà mời (thường để chung một đĩa với dụng ý để khách chứng kiến lòng thành của chủ nhà)
– Khi ăn không nên vừa ăn vừa nói quá to
Khi vui chơi cũng cần lưu ý:
– Không nên thổ lộ tình cảm thái quá với phụ nữ đã có chồng, con gái có người yêu, phụ nữ goá chồng.
– Khi uống rượu cần phải mời mọi người xung quanh, không nên cầm uống ngay
Ngoài ra, còn một số điều kiêng kỵ khác trong các nghi lễ như chọn đất làm nương rẫy, chọn ngày dựng nhà, chọn ngày cưới hỏi vợ chồng, kiêng cữ khi phụ nữ mới sinh, trong nhà có người mất hay các nghi thức cúng bái khác trong sinh hoạt cộng đồng.
Khi đi du lịch:
Hà Giang là một vùng khí hậu có những sự khác biệt hơn so với các vùng khác, đặc biệt là ở khu vực vùng cao, du khách khi đến với Hà Giang nên lưa ý một số điẻm như sau:
– Nên mang theo quần áo ấm khi lên đến khu vực vùng cao vì khi hậu thay đổi đột ngột và thời tiết càng về đêm càng lạnh
– Chuẩn bị sẵn một số thuốc tây chữa các bệnh thông thường như cảm cúm nhức đầu vì du khách có thể mắc phải khi chưa thích ứng được với bình độ cao và khí hậu lạnh.
– Nếu du khách đến với Hà Giang trong khoảng tháng 7 và tháng 8 thì nên mang theo sẵn áo mưa hoặc ô dù, vì đó là thời điểm mùa mưa, du khách có thể gặp những ngày mưa liên tục hay những cơn mưa rào bất chợt.
– Nếu du khách tham gia vào loại hình du lịch thể thao ở Hà Giang, nên chuẩn bị kỹ lưỡng phương tiện và dụng cụ bảo hộ mang theo, thuốc men sơ cứu đề phòng trường hợp bất trắc, đồng thời nên tham gia đông người vì đây là loại hình du lịch khá mới mẻ ở Hà Giang cho nên công tác cứu hộ rất khó khăn và thiếu thốn.
MỚI ĐĂNG
- Diamond Event thực hiện thành công sự kiện với qui mô hơn 320 gian hàng tại Kiên Giang
- Hội nghị phổ biến chính sách giảm thiểu nhựa cho ngành hàng bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị, hàng không, đồ ăn nhanh và sản xuất bao bì
- Thói quen xanh những cách đơn giản để bảo vệ môi trường hàng ngày
- Gian Hàng Xanh ESG – điểm đến của sản phẩm xanh, du lịch xanh thân thiện môi trường
- ECO Solutions với chiến dịch “Cooking to Green” : Bữa trưa an toàn bổ dưỡng, gắn kết và thân thiện với môi trường
- Khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5 năm 2024
- Alena Energy khởi động Dự án sản xuất thiết bị lưu trữ điện năng lượng xanh
- HANE phát động chương trình “Hành động Xanh” cùng chung tay bảo vệ thiên nhiên và môi trường
- HANE trao tặng Vùng 2 Hải quân 100 ngàn cây thực hiện chương trình “Một triệu cây vì biển, đảo Tổ quốc, vì quê hương Việt Nam xanh”
- Giải bóng đá thiện nguyện hướng về miền Bắc thân yêu: “Một trái tim – Triệu yêu thương”