“Tôi đã thường xuyên đến Việt Nam trong 20 năm qua và tôi cũng dự định đến đây trong 20 năm tới để làm việc”, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ông Rafael Frankel – Giám đốc Meta (tập đoàn sở hữu dịch vụ mạng xã hội Facebook) khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đã khẳng đinh như thế.
Ông Rafael Frankel cũng làm rõ thêm những công việc tới đây mà Meta sẽ tập trung nghiên cứu tìm hiểu để cùng đồng hành với chính phủ Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế kỹ thuật số và ngành công nghiệp 4.0.
Ông nói: “Thay mặt cho Meta, tôi đánh giá cao cơ hội này để chia sẻ cam kết của công ty chúng tôi trong việc hỗ trợ nền kinh tế kỹ thuật số và đổi mới của Việt Nam, đóng góp vào sự phục hồi kinh tế sau COVID-19.
Trong 20 năm qua, các doanh nhân cũng như các nhà khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã được hỗ trợ bởi các chính sách của Chính phủ. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ các mục tiêu của Việt Nam về chuyển đổi kỹ thuật số và tầm nhìn về công nghiệp 4.0. Meta đang hỗ trợ tích cực cho sự chuyển đổi này.
Đáng chú ý là “Thử thách đổi mới sáng tạo Việt Nam” mà Meta và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phát động vào tháng 10/2022. Đó là một thử thách hằng năm trên toàn quốc nhằm tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Chúng tôi cũng đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tìm thêm các biện pháp hỗ trợ chiến lược quốc gia về nền kinh tế số của Việt Nam nhằm thúc đẩy quyền công dân số, chính phủ số và xã hội số ở Việt Nam.
Việt Nam phục hồi một cách ấn tượng vào năm 2022. Meta rất vui được hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và Chính phủ qua một số sáng kiến quan trọng, bao gồm chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 với Bộ Y tế đã tiếp cận 40 triệu người; đào tạo kỹ năng số cho 580.000 học sinh, gần 25.000 giáo viên và 64.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong thời gian tới, chúng tôi rất vui mừng giới thiệu thêm nhiều chương trình đổi mới cho cả doanh nghiệp và cộng đồng người dùng dịch vụ của chúng tôi tại Việt Nam. Năm nay, tôi rất vui được gặp Thủ tướng nhiều lần. Thủ tướng thường nói về rủi ro được chia sẻ cũng như phần thưởng kết quả được chia sẻ.
Tôi muốn nói rằng chúng tôi luôn sát cánh cùng Việt Nam, chia sẻ tầm nhìn này với Việt Nam. Nhờ các lực lượng thị trường và cách tiếp cận mới mẻ của Chính phủ đối với quy định về Internet, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia đang phát triển có tiềm năng nhất trên thế giới.
Nếu Việt Nam có thể vươn mình xa đến mức này, nhanh như vậy trong hai thập kỷ qua, chúng ta hãy tưởng tượng những điều Việt Nam có thể làm được trong 20 năm tới.
Dự báo về tương lai, tôi thấy tương lai của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ không kém các nước trong khu vực. Một tương lai mà Việt Nam dẫn đầu khu vực về nền kinh tế xanh, công nghệ, tạo ra hàng triệu việc làm mới đã đặt chúng ta vào Metaverse – một thế giới kỹ thuật số với tiềm năng vô song để mở ra các cơ hội kinh tế – xã hội mới.
Hãy tưởng tượng một Việt Nam – nơi những công nghệ do Việt Nam sản xuất rải trên khắp các nẻo đường Đông Nam Á, đồng thời mang lại việc làm cho hàng triệu người Việt Nam và giữ gìn môi trường trong sạch cho các thế hệ mai sau.
Hãy tưởng tượng một Việt Nam có nhiều kỹ sư phần mềm không chỉ viết phần mềm cho các công ty công nghệ quốc tế hàng đầu mà còn thực sự sở hữu những công ty công nghệ hàng đầu.
Đồng thời chúng ta hãy tưởng tượng một Việt Nam đi đầu trong công nghệ đã vũ trụ Metaverse, đó là thiết bị thực tế ảo và thực tế tăng cường. Điều này cho phép một bác sĩ phẫu thuật ở TPHCM dạy cho thế hệ bác sĩ phẫu thuật tiếp theo ở Huế mà không cần rời văn phòng của mình. Tương lai này đang trong tầm tay với của Việt Nam.
Có lẽ chúng ta đang đứng ở một thời điểm quan trọng mà điều này bảo đảm Việt Nam luôn vững bước trên quỹ đạo của tương lai tươi. Chúng ta cần thấy rằng Việt Nam phải duy trì độ mở của nền kinh tế của mình trong 20 năm tới.
Để Việt Nam có thể hoàn toàn khai thác được tiềm năng của tương lai kỹ thuật số, chúng tôi kêu gọi Chính phủ sẽ có một cách tiếp cận toàn diện để phát triển một khuôn khổ quy định về kỹ thuật số.
Chúng tôi rất hoan nghênh nỗ lực của Bộ TT&TT và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN trong việc thành lập Nhóm công tác chung về kinh tế số.
Chúng tôi khuyến nghị các bộ khác làm việc với Bộ TT&TT để tận dụng nguồn lực khổng lồ và chuyên môn của các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ. Chúng tôi luôn sẵn sàng giúp Việt Nam phát triển khuôn khổ pháp lý thuận lợi nhất cho nền kinh tế kỹ thuật số. Luồng dữ liệu miễn phí xuyên biên giới tất quan trọng trong việc bảo đảm chuyển đổi số thành công.
Chúng tôi cam kết tiếp tục phối hợp với Việt Nam. Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận rất hữu ích với Việt Nam, với Bộ TT&TT… để có thể tiếp tục phối hợp với Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Tôi đã thường xuyên đến Việt Nam trong 20 năm qua. Tôi cũng dự định đến đây trong 20 năm tới để làm việc. Tôi rất nóng lòng được thấy tương lai tươi sáng Việt Nam có thể đạt được trong quan hệ đối tác với bạn bè của Việt Nam trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế”.
(Theo Thông tin Chính phủ)