Giải quyết dứt điểm ngập nước trong 5 năm tới, liệu có khả thi?
(16)
Nhiều tuyến đường ở TP.HCM vẫn bị ngập nặng do hệ thống cống thoát nước hiện chỉ thiết kế với quy mô đáp ứng cho 2 triệu dân trong khi dân số Thành phố đã tăng gấp 5 lần.
Nhiều nguyên nhân gây ngập, nhiều giải pháp chống ngập được nêu ra tại hội thảo “Thực trạng và kết quả triển khai các nhiệm vụ giảm ngập nước trong năm năm 2016-2020 và định hướng, hành động cho giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.”
Hội thảo do Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng 1/7 nhằm tập trung tìm kiếm giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước do mưa, triều cường trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết chống ngập úng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong năm năm qua đã đạt nhiều thành công nhất định.
Thành phố đã chi 25.000 tỷ đồng thực hiện các dự án giải quyết giảm ngập thêm 25 tuyến đường trục chính cho giai đoạn 2016-2020, nâng tổng số tuyến đường giảm ngập từ năm 2008 tới nay lên 104 tuyến.
Đối với các tuyến đường trục chính bị ngập do triều, Thành phố xóa ngập ở 9/9 tuyến đường, đạt 100% chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020; thời gian ngập được rút ngắn chỉ còn 15-40 phút sau mưa, chiều sâu ngập cũng chỉ duy trì 0,1-0,3m.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn 22 tuyến đường và hàng trăm tuyến hẻm vẫn bị ngập nặng sau mưa lớn, triều cường; trong đó có nhiều tuyến đường lớn như Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Kha Vạn Cân…
Nguyên nhân chính là do hệ thống cống thoát nước của Thành phố hiện chỉ thiết kế với quy mô tiêu thoát nước cho 1,55m triều cường và lượng mưa 80mm đáp ứng cho 2 triệu dân, nhưng nay dân số Thành phố đã tăng gấp 5 lần trong khi khối lượng cống thoát nước trên thực tế chỉ đạt gần 70% so với yêu cầu.
Ngoài ra, nhiều tuyến đường hiện nay không có cả hệ thống cống thoát nước hoặc hệ thống cống xuống cấp, biến dạng và không đồng bộ khi đấu nối ở cửa xả, tiết diện nhỏ không đủ khả năng tiêu thoát nước; lòng rạch bị bồi lắng và trữ nước rất kém.
Tình trạng hệ thống đê bao bị sạt lở, sụt lún hoặc hư hỏng nhưng không được sửa chữa kịp thời, hệ thống đê quy hoặc chưa hoàn thiện do thiếu kinh phí tại nhiều khu vực cũng dẫn đến tình trạng cao trình mặt đê thấp gây tràn bờ, ngập nước cục bộ khi triều cường dâng cao.
Bên cạnh đó, nhiều khu vực quận, huyện trên địa bàn Thành phố như các Quận 4,5,7,9,12, Bình Tân và huyện Bình Chánh có cao trình thấp, địa hình thấp trũng, nền đất thấp, yếu và lún, nằm cuối lưu vực thoát nước nên dễ bị ngập khi triều cường cao.
Đặc biệt, quá trình đô thị hóa khiến các diện tích thấm nước như mặt nước, cây xanh giảm và diện tích không thấm nước như đường giao thông, công trình xây dựng tăng, cũng như quản lý đô thị không hiệu quả, không theo kịp sự phát triển nhanh của Thành phố cũng là một trong những nguyên nhân khiến Thành phố bị ngập.
Một nguyên nhân khác khiến Thành phố ngập như hiện nay, theo ông Trần Hoàng Ngân là do hành vi vứt rác xuống kênh của người dân làm tắc dòng chảy và việc lấp kênh rạch để làm dự án, cống hộp mà không bù lại bằng hồ điều tiết tại nhiều địa phương. Bên cạnh đó, việc xả nước thải không qua xử lý từ các cơ sở kinh doanh, sản xuất cũng làm giảm tiết diện cống, làm giảm khả năng tiêu thoát nước.
Đề xuất về giải pháp cho tình trạng ngập của Thành phố Hồ Chí Minh, Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiệp, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết muốn hết ngập một cách căn cơ, việc cần làm nhất hiện nay là thực hiện chấn chỉnh ngay việc lấp kênh, rạch.
Thành phố cần xác định việc lấp kênh, rạch chỉ nên tiến hành với những con rạch cùng, nằm sâu bên trong các tuyến đường nhánh và ngay sau đó phải bù bằng hồ điều tiết. Đối với các kênh, rạch tự nhiên nằm trên các tuyến đường chính, không phải rạch cùng thì phải giữ nguyên hiện trạng.
Trên thực tế, ông Nguyễn Ngọc Thiệp cho biết, vào năm 2000, Thành phố đã thực hiện lấp kênh Hàng Bàng (Quận 5-Quận 6) thay bằng cống hộp, nhưng đến 15 năm sau, Thành phố đã phải chi 2.000 tỷ đồng đào lên trả lại kênh hở tự nhiên do nhiều ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Kế đến, theo ông Nguyễn Ngọc Thiệp, Thành phố phải thường xuyên tiến hành nạo vét bề mặt tất cả các kênh, rạch và xử lý nghiêm hành vi vứt rác xuống kênh để bảo đảm cho dòng chảy được thông suốt thông qua việc cụ thể hóa hình thức thưởng, phạt, khuyến khích người dân giám sát việc xả rác.
Mặt khác, thực hiện nghiêm chỉ thị 19 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về Cuộc vận động Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước; đưa mục tiêu chống xả rác kênh rạch vào đánh giá thành tích, thi đua mỗi quận, huyện để thúc đẩy tinh thần tự giác của địa phương chứ không chỉ hô hào suông.
Ngoài ra, thành phố cần hoàn chỉnh mạng lưới thoát nước đấu nối từ hẻm nhỏ ra hẻm lớn và thông ra các tuyến đường; đẩy mạnh xây dựng các cống ngăn triều để hình thành một hệ thống hoàn chỉnh.
Ông Bùi Việt Long, Phòng Quản lý đô thị Quận 4, cho rằng thành phố cần nghiên cứu đập làm giảm năng lượng dòng triều để tránh rủi ro cho lưu vực bên trong đập khi xảy ra thiên tai; đầu tư bờ kè dọc bờ tả và hữu sông Sài Gòn, kết hợp ưu tiên giao thông và cảnh quan; nghiên cứu lập trạm bơm công suất lớn phù hợp từng tiểu vùng khi kết hợp với cống,đập ngăn triều cho kênh rạch thành hồ điều tiết tự nhiên; mở rộng tiết diện cống thoát nước thêm 30 đến 40% nhằm tăng thể tích trữ trên mạng lưới.
Thành phố cũng cần hạ thấp cốt nền của các thảm xanh thực vật xuống thấp hơn mặt đường khoảng 10-20cm nhằm tạo thành một lớp trữ nước mỏng giúp trữ nước ngắn hạn, giảm sự tập trung nước mưa, giảm áp lực cho mạng lưới cống ngầm thoát nước.
Theo ông Bùi Việt Long, thành phố nên đặt mục tiêu trong 10 năm sử dụng phương phát trên hoặc các loại vật liệu thấm nước nhanh, nhiều làm mềm hoá từ 3-5 triệu m2 các vỉa hè, các mặt bằng nơi công cộng để góp phần giảm ngập.
Bên cạnh đó, ông Bùi Việt Long cũng mong muốn Thành phố hỗ trợ các quận, huyện giải quyết các vướng mắc về thực hiện giải phóng mặt bằng, bố trí đất tái định cư cho các các hạng mục dự án chống ngập do triều và dự án xây dựng cải tạo các nhà máy xử lý nước thải.
Ông Bùi Việt Long cũng chỉ ra rằng hầu hết các dự án này đều đang chậm tiến độ, khó có thể hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020 theo kế hoạch do gặp nhiều khó khăn về vốn, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Một vài dự án thoát nước, giảm ngập đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng hiệu quả hạn chế, chưa giải quyết dứt điểm tình trạng ngập khiến người dân bức xúc.
Theo bà Hồ Thị Tuyết Nga, đại diện Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, Thành phố đang phải đối diện với bài toán chống ngập rất nan giải mỗi mùa mưa; những cơn mưa lớn kéo dài, triều cường không ngừng dâng cao, mặt đất lún là những áp lực lớn trong việc giải quyết ngập mà nếu không xử lý thỏa đáng sẽ tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, ảnh hưởng môi trường đầu tư.
Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại năm lưu vực ngoại vi rộng 550 km2 thuộc lưu vực trung tâm, bắc, tây, một phần đông bắc, đông nam. Đồng thời, cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, cải thiện môi trường nước…, mục tiêu giải quyết dứt điểm tình trạng ngập trong giai đoạn 2021-2025.
Theo TTXVN/Vietnam+
MỚI ĐĂNG
- Bất Động Sản Điền An chính thức trở thành Đối Tác Phân Phối Dự Án Phố Thương Mại Lamina Long Khánh
- Ninh Thuận: Đêm Trăng Cổ Tích mang niềm vui Trung Thu đến huyện miền núi Bác Ái
- TP.HCM góp phần “Xanh hóa Trường Sa” với Chương trình ” Một triệu cây vì biển đảo Tổ quốc, Vì Quê hương Việt Nam Xanh”
- Chứng chỉ năng lượng tái tạo I-REC tại Việt Nam: Cùng Alena Energy hướng tới tương lai xanh
- Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức cuộc thi “SÁNG TẠO XANH – SÓNG TRONG LÀNH
- SAPUWA vinh dự được trao danh hiệu “Doanh nghiệp Xanh TP. HCM năm 2024”
- HỘI BẢO VỆ THIÊN NHIÊN MÔI TRƯỜNG TP HCM ĐẾN THĂM LỮ ĐOÀN TÊN LỬA BỜ 681
- Fujiwa Vietnam góp mặt trong TOP 98 “Doanh nghiệp Xanh TP. HCM năm 2024”
- ĐIỆN QUANG VINH DỰ ĐẠT DANH HIỆU DOANH NGHIỆP XANH 2024
- HANE tham gia đồng hành cùng Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân thực hiện chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”