LTS – Bài nhà văn Đỗ Hoàng Diệu viết cách đây 4 năm trên Facebook và sau 2 năm Tiền Phong đăng thấy vẫn thời sự, đến hôm nay tình hình còn cấp bách hơn vì môi trường vẫn đang bị phá hoại.
Mùa đông năm ngoái, qua cửa kính ô tô đang chạy băng băng trên đường cao tốc ngang qua Pennsylvania, không mấy xa thành phố New York nhộn nhịp, tôi thấy gấu xám vĩ đại. Đứng chênh vênh trên mép núi bên này nhìn sang mép núi bên kia bị ngăn cách bởi xa lộ sáu làn xe, nó trông bất động như pho tượng.
Tượng thiên nhiên bất lực trước hiện đại nhân tạo. Vốn mép núi bên này với mép núi bên kia gắn liền một quả. Con người đặt chất nổ, tách đôi, thành đường. Quá xa để thấy, tôi không biết trong ánh mắt của gấu xám buổi sáng hôm đó, ngoài hoài niệm buồn bã, có tia nào uất hận. Chỉ biết chủ quán cà phê nhỏ gần đấy kể, đã nhiều người thấy gấu xám vĩ đại hiên ngang trên mỏm núi. Gần như sáng nào nó cũng đứng đó, như một nghi lễ. Nghi lễ tưởng niệm thiên nhiên nguyên sơ, nghi lễ oán trách công nghệ nhân tạo.
Những ngày này, bão lụt đang tàn phá khắp nơi. Bức hình hai mẹ con ôm nhau chết thảm ở Hòa Bình tràn mạng xã hội. Chúng ta thương xót, chúng ta rơi nước mắt, chúng ta đổ tội cho thiên nhiên với loài người. Phá rừng đầu nguồn, khai thác mỏ tràn lan, xây nhà không tính toán… Cứ cho rằng mẹ trái đất nổi giận hay Thủy Tinh báo thù, nhưng chính chúng ta, từng cá nhân thì sao? Có đang dùng bàn ghế gỗ lim gỗ táu, đang dùng đồ nhựa vô tội vạ, đang ngốn nhiên liệu không cần nghĩ, đang nhai thịt nhím óc khỉ, đang cố gắng chạy cho con vào kiểm lâm để “ăn” rừng mong giàu có, đang không lên tiếng không làm gì cả trước bọn bất lương gây ra những thảm họa môi trường? Có, ai cũng có, tôi cũng có. Trước khi đổ tội, hãy hỏi mình trước. Dù rằng chưa chắc những tai ương kia do con người gây ra. Mà mẹ trái đất nổi giận, vì con người bất kính, vì chim phá tổ mưa trêu mặt trời.
Chúng ta truyền nhau, tán tụng, xuýt xoa lời của thủ lĩnh da đỏ Xiaton hàng trăm năm trước: “Đất là mẹ. Điều gì xảy ra với đất đai tức là xảy ra với những đứa con của đất. Con người giản đơn là một sợi tơ trong cái tổ sống đó mà thôi. Điều gì con người làm cho cái tổ sống đó tức là làm cho chính mình.” Nhưng sau đó thì thế nào? Tiếp tục vứt túi ni lông xuống hồ, vô tư gặm tay gấu xơi óc khỉ, dửng dưng nhìn tôm cua cá phơi bụng trắng bờ biển vì hóa chất từ nhà máy… Nếu có lăn tăn cũng tặc lưỡi: một tý không sao. Triệu triệu người một tý không sao, triệu triệu một tý có ngày thành đại hồng thủy. Chúng ta, cứ như thể chúng ta xem trái đất là mẹ của người ngoài hành tinh.
Có nhà văn ta đến Mỹ, ngồi trong ô tô vừa ngắm cầu Cổng Vàng vừa ăn keọ lạc, hồn nhiên mở cửa kính thả giấy gói. Mảnh ni lông bé tí từ làng Thanh làng Cuồi xoay tít mù như tâm trạng người lái xe chở bạn đang nơm nớp sợ cảnh sát đuổi theo. Chỉ một mẩu giấy vụn, tiền phạt có thể bằng vài ngày công làm việc. Tất nhiên không nên trách nhà văn đó, bởi ông đã quen kiểu sống Việt Nam. Lối sống vô tư vứt rác nơi công cộng, đái bậy giữa đường là thường tình. Chúng ta mải lo chuyện vĩ mô này thượng tầng nọ. Môi trường, ôi dào, chết ngay đâu mà sợ. Nhưng biến đổi khí hậu không phải chuyện trái đất, là vấn đề của con người. Con người gây ra, con người gánh chịu. Và cũng chính con người, chỉ có con người mới có thể ngăn chặn.
Ở ngôi làng nhỏ miền đông bắc nước Mỹ, nơi trước đây những người Anh đầu tiên đã đến khai hoang tạo nghiệp, động vật hoang dã sau mấy chục năm bỏ đi, mới trở về. Gấu đến tận cửa bếp lục thùng rác, nai cả đàn gặm cỏ trong vườn. Nguyên do chúng bỏ đi do nông dân đã phá rừng làm trang trại. Nguyên do chúng quay về, vì những người giàu có ở thành phố đến mua lại hàng loạt đất đai có cây hay không còn cây của nông dân với mục đích bảo tồn. Rừng được yêu quý, rừng mọc lên, rậm xanh nguyên thủy. Bầy thú đánh hơi an toàn, nối đuôi nhau quay về. Tôi dạo giữa khu rừng mùa thu vàng óng của diễn viên nổi tiếng Meryl Streep, nghĩ về Tây Bắc, Tây Nguyên quê nhà, nơi người giàu thuê người nghèo chặt cây xẻ gỗ chở về xuôi, để đồi núi trơ khấc buồn đau rồi lên cơn xói mòn, sụt lở. Tôi nép vào cây nhường lũ nai qua đường, nhớ đến những tiệc tùng tay gấu – óc khỉ – mai rùa – đùi hoẵng, mà lúc nào đó trong quá khứ đã từng tham dự.
Không ai bắt những người giàu nước Mỹ phải bỏ tiền mua rừng giữ thú, bảo vệ tươi xanh. Chỉ là ý thức về môi trường, vì cộng đồng vì tương lai. Khó có thể đòi hỏi ý thức đó ở người Việt Nam hiện tại do nhiều nguyên nhân. Tôi nhớ hồi còn ngồi ghế giảng đường, rất thích môn Luật bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nhưng lại chỉ là môn học phụ. Thiết nghĩ thay vì bắt trẻ em học thuộc lòng những lý thuyết giáo điều, thiếu thực tế, hãy dạy chúng về trái đất và sự sống nhiều hơn.
Hãy sửa nội quy về quần áo tóc tai thành nội quy xả rác, sử dụng đồ nhựa, tiết kiệm giấy, tiết kiệm điện… Các em sẽ mang những thói quen thực hiện ở trường về nhà. Một nhà thành hai nhà, hai nhà lan rộng ra tổ dân phố. Tổ dân phố họp thay vì bình bầu gia đình văn hóa, hãy nói chuyện bảo vệ sự sống – môi trường, bảo vệ nguồn nước ta uống cái ổ ta nằm không khí ta ngửi thiên tai ta sợ. Từng tý từng tý, cây thêm một lá, biển sạch một chòm, khí quyển tươi một góc, trái đất cũng đã khác. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của con người, một phần quan trọng của phạm trù đạo đức, không phải chuyện bao đồng.
Không chỉ trong phim, ngày tận thế có thật. Hãy tưởng tượng nhiệt độ ấm lên ấm lên, đến một ngày toàn bộ băng tan chảy tan chảy.
Đừng viện cớ lúc đó mình chết rồi. Còn cháu chắt chúng ta, nấm mồ của chúng ta thì sao? Mà nói đâu xa, ngay đây, lúc này, Yên Bái đau thương, miền Trung khốn khổ…
ĐỖ HOÀNG DIỆU (NHÀ VĂN, MỸ)