Dự án ngàn tỷ ‘đắp chiếu’, Bộ Tư pháp kết luận không có cơ sở kê biên

02/04/2019 12:59

(95)


Loạt bài “dự án ngàn tỷ đồng bị “đắp chiếu” ở Long An” phản ánh tranh chấp giữa Công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát, với Công ty China Policy Limited (CPL), tại dự án khu dân cư và trường đua ngựa, tiếp tục có tình tiết mới.

Dù vướng tranh chấp, nhưng Cty Hồng Phát vẫn nỗ lực duy trì dự án. Ảnh: H.H
Dù vướng tranh chấp, nhưng Cty Hồng Phát vẫn nỗ lực duy trì dự án. Ảnh: H.H

Nhiêu khê thực hiện phán quyết của trọng tài

Sau khi Hồng Phát và CPL ký “thoả thuận khung” ngày 1.6.2007, thì xảy ra tranh chấp. Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Việt Nam (gọi tắt VIAC) ra phán quyết trọng tài ngày 25.4.2013.

Bộ Tư pháp từng đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, với kết luận “không có cơ sở để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản” của doanh nghiệp…

Nhằm thi hành phán quyết của trọng tài, từ tháng 10.2014,  Cục thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Long An đã một số lần ra lệnh ngăn chặn. Mới nhất là quyết định  số 07/QĐ-CTHADS ngày 18.12.2018, ngăn chặn giao dịch toàn bộ 13 Giấy chứng nhận QSDĐ do Công ty Hồng Phát đứng tên.

Dự án khu dân cư và trường đua ngựa tại huyện Đức Hoà, tỉnh Long An
Dự án khu dân cư và trường đua ngựa tại huyện Đức Hoà, tỉnh Long An. Ảnh: H.H

Trước đó, Cục THADS tỉnh Long An đã một lần phong toả dự án bằng công văn ngăn chặn số 525/CTHA ngày 18.9.2017. Công ty Hồng Phát có đơn kêu cứu.

Sau khi xem xét, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo tại công văn số 12705/VPCP-V.I ngày 28.11.2017 của Văn phòng Chính phủ, giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Long An kiểm tra, xem xét.

Không có cơ sở cưỡng chế, kê biên, vẫn… kê biên ?

Ngày 4.6.2018, Bộ Tư pháp có văn bản số 123/BC-BTP, báo cáo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình việc thi hành án liên quan đến Công ty Hồng Phát. Theo đó, Bộ Tư pháp xác định có việc Cục THADS tỉnh Long An đã ra công văn 525/CTHA ngày 18.9.2017 ngăn chặn việc giao dịch 13 Giấy chứng nhận QSDĐ…

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác nhau về căn cứ pháp luật để tiếp tục duy trì  công văn 525, nên ngày 12.2.2018, Tổng cục THADS có văn bản gửi Viện KSND tối cao. Ngày 6.3.2018, VKSND tối cao có văn bản, nêu rõ: Trường hợp các bên không thỏa thuận được việc thành lập công ty liên doanh thì việc tiếp tục duy trì biện pháp ngăn chặn không còn nữa.

Hình ảnh ngổn ngang tại dự án kéo dài đã nhiều năm vì vướng tranh chấp. Ảnh: H.H
Hình ảnh ngổn ngang tại dự án kéo dài đã nhiều năm vì vướng tranh chấp. Ảnh: H.H

Bộ Tư pháp khẳng định: Về thực hiện phán quyết của trọng tài, do hiện nay pháp luật quy định chưa chặt chẽ, rõ ràng nên rất khó để tổ chức thi hành trên thực tế.

Cụ thể: Theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật khác có liên quan, việc lập công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (kể cả cơ quan THADS) không thể thực hiện thay.

Bộ Tư pháp phối hợp với UBND tỉnh Long An tạo điều kiện cho Hồng Phát  và CPL thỏa thuận lập công ty liên doanh.

Khi đã thành lập được công ty liên doanh mà Hồng Phát không đưa 13 Giấy chứng nhận QSDĐ góp vào liên doanh, thì Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo cơ quan THADS tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật THADS. Trường hợp thỏa thuận không có kết quả thì Tổng cục THADS yêu cầu Cục THADS tỉnh Long An giải quyết việc thi hành án theo đúng quy định của pháp luật.

Một góc dự án của Cty Hồng Phát, hiện đang san lấp mặt bằng. Ảnh: H.H
Một góc dự án của Cty Hồng Phát, hiện đang san lấp mặt bằng. Ảnh: H.H

Bộ Tư pháp nhấn mạnh: “Không có cơ sở để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản”, theo điều 71 của Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Theo luật, sau khi kê biên, cơ quan THADS phải áp dụng các biện pháp tiếp theo để xử lý tài sản như thẩm định giá, bán đấu giá, giao tài sản… Trường hợp, cơ quan THADS tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản của Hồng Phát thì không đúng theo nội dung phán quyết của trọng tài…

Như vậy, quan điểm của Bộ Tư pháp, đồng thời cũng là quan điểm của Tổng cục THADS, là “không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên” đối với 13 Giấy chứng QSDĐ – là tài sản hợp pháp của Công ty Hồng Phát.

Tại dự án khu dân cư Hồng Phát đang được DN duy tu bảo dưỡng, hy vọng tiếp tục triển khai. Ảnh: H.H
Tại dự án khu dân cư Hồng Phát đang được DN duy tu bảo dưỡng, hy vọng tiếp tục triển khai. Ảnh: H.H

Tuy nhiên, thật tréo ngoe, sau khi đã huỷ bỏ, chấm dứt hiệu lực của công văn 525, thì Cục THADS tỉnh Long An lại ra tiếp các văn bản mới “phong toả” giao dịch của 13 Giấy chứng nhận QSDĐ do Công ty Hồng Phát đứng tên.

Việc làm “tiền hậu bất nhất này” khiến cho dự án ngàn tỷ vốn đắp chiếu nhiều năm càng đi vào ngõ cụt, chủ đầu tư thêm thiệt hại đủ đường.

Hoàng Hưng/Theo Lao Động

Đọc thêm

lên đầu trang