Đối với người dân vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu thì Lễ hội Nghinh Ông chắc chẳng còn xa lạ nữa. Nhưng với khách du lịch thì đó là một điều hiếu kỳ mà du khách luôn háo hức mỗi độ tháng 8 âm lịch hằng năm. Lễ hội Nghinh Ông thường được tổ chức trong 3 ngày 16, 17 và 18/8 âm lịch hàng năm và được xem là nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng biển.
Nguồn gốc của Lễ hội Nghinh Ông
Lễ hội Nghinh Ông được bắt nguồn từ tín ngưỡng vật tổ của cư dân vùng ven biển. Theo quan niệm của cư dân nơi đây thì cá Ông (cá voi) chính là một vị thần thiên liêng, là cứu tinh và chỗ dựa tinh thần của cư dân mỗi khi đi biển nhất là những lúc gặp sóng to, gió lớn, thuyền bị đắm, gặp nguy hiểm,… Chính vì vậy, hội Nghinh ông là dịp để bà con ngư dân cầu mong bình an khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, có cuộc sống ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc. Đồng thời, lễ hội cũng là dịp để mọi người báo nghĩa, đền ơn, uống nước nhớ nguồn,…
Ngôi Lăng cá Ông được sáng lập và xây dựng vào năm Giáp Thân 1824, nằm trong khu di tích văn hóa đình thần Thắng Tam. Trong lăng tính đến nay hiện có thờ 180 bộ cốt cá Ông, bộ ngọc cốt dàu nhất khoảng 18m thờ tự vào năm Tân Mão 1831, được vua Thiệu Trị và vua Tự Đức cấp 3 đạo sắc Phong thần vào năm 1845, 1846 và 1850. Đến năm 1991, lăng đã được Bộ văn hóa – thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Việc cúng bái, thờ tự cá Ông của ngư dân địa phương đã hình thành từ 200 năm nay, trong tỉnh hiện có 14 ngôi thờ tự, riêng Vũng Tàu có 6 ngôi thờ cá Ông.
Lễ hội Nghinh ông Thắng Tam Vũng Tàu thường diễn ra khoảng ngày 15 – 18/8 âm lịch.
Nét văn hóa đặc sắc của Lễ hội Nghinh Ông
Lễ hội Nghinh Ông được tôt chức thành hai phần: Phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ sẽ được diễn ra với các hoạt động như: Lễ rước kiệu Nghinh Ông trên biển; đoàn Nghinh Ông sẽ khởi hành từ cảng Cầu Đá (Bãi trước) đến miếu Hòn Bà – Mũi Nghinh Phong để tiến hành tế lễ, sau đó là về lễ đài tại số 1 Ba Cu. Tiếp đến sẽ là lễ rước kiệu Nghinh Ông, đoàn rước sẽ diễu hành qua nhiều tuyến đường về lại điểm cuối là Đình thần Thắng Tam, Ban Tế tự đình sẽ tiến hành cúng tế lễ bằng hát chèo bả trạo. Sau đó lại đến lễ cúng giỗ tiền Hiền và các anh hung liệt sĩ; lễ thỉnh sắc Thần từ ngôi Lăn Lông vào ngôi Đình Thần, lễ xây chầu Đại Bội,…
Phần hội sẽ là phần mà du khách cũng như người dân địa phương mong chờ nhất. Phần hội với những trò chơi dân gian liên quan đến các hoạt động của ngư dân như: kéo co nam nữ, đẩy gậy, dẫn bóng, bóng chuyền trên bãi biển, câu cá,…
Nhiều du khách đến Vũng Tàu ngày dịp lễ hội Nghinh Ông rất háo hức và tò mò. Sau khi tham gia lễ hội, nhiều du khách cảm thấy rất thích thú và năm nào cũng quay lại để tham gia.
Bà Nguyễn Thị Bạch Ngân, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam cũng chia sẻ rằng, lễ hội Nghinh Ông là một hoạt động văn hóa dân gian thường niên, lễ hội góp phần quảng bá, nâng tầm du lịch tỉnh nhà, có giá trị như một thông điệp gửi đến bạn bè và du khách gần xa về TP Vũng Tày văn minh, thân thiện, hiếu khách và mang đậm giá trị truyền thống.
Với hoạt động sôi nổi của Lễ hội Nghinh Ông diễn ra hàng năm tại TP Vũng Tàu, đã góp phần làm phong phú thêm các hoạt động du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu, thu hút đông đảo du khách đến tham quan mỗi dịp lễ diễn ra.
PHƯƠNG LAN