Đô thị trung hòa carbon: Hướng tiếp cận ở Việt Nam

09/12/2023 10:25

(36)


Mặc dù tổng diện tích đất của thế giới dành cho các đô thị chỉ chiếm 2%, các đô thị vẫn chiếm 2/3 mức năng lượng tiêu thụ và tạo ra 70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Vì vậy, để đạt được các mục tiêu cắt giảm phát thải carbon, các thành phố cần chủ động phát triển thành các đô thị không phát thải.

Đô thị hóa thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng cũng tác động tiêu cực đến môi trường và gia tăng biến đổi khí hậu (BĐKH). Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH cùng vấn đề môi trường tại các đô thị.

Các đô thị chiếm 70% lượng khí thải nhà kính toàn cầu – Ảnh: NPR

Do đó, Việt Nam đã đưa ra cam kết việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại COP26 và kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 – 2030 đã chỉ ra các nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương.

Nhằm giảm thiểu khí nhà kính (KNK) được nêu tại Thỏa thuận Paris (2015) cùng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị các Bên liên quan tham gia Công ước khung của LHQ lần thứ 26 (COP26) năm 2021, nghiên cứu về “đô thị trung hòa carbon” đã được thực hiện và hoàn thành trong năm 2022.

Bài trao đổi này tập trung vào xu hướng đô thị trung hòa carbon trên thế giới và chia sẻ về khả năng phát triển mô hình đô thị trung hòa carbon ở Việt Nam.

1. Bối cảnh phát triển đô thị Việt Nam

Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đô thị hóa gắn kết chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Theo thống kê của Cục Phát triển đô thị, tính đến tháng 6/2023 cả nước có 898 đô thị, bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 95 đô thị loại IV, 697 đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa là 42%. Các đô thị đã, đang là động lực phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và kinh tế lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Việt Nam có tỷ lệ đô thị hóa là 42% – Ảnh: VNExpress

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã đề ra mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 45%, đến năm 2030 đạt khoảng 50% (Bảo Yến, 2022). Song song, đề án “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cho thấy, tỷ lệ đô thị hóa cả nước xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng nhanh từ 30,5% năm 2010 lên khoảng 40% năm 2020 (Hà Duy, 2021).

Tại hội nghị thẩm định các hợp phần quy hoạch thuộc lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia tại Bộ Xây dựng vào ngày 07/9/2022, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đã trình bày Báo cáo tóm tắt nội dung hợp phần “Thực trạng và phương hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Báo cáo chỉ ra, trong giai đoạn 2020 – 2030, cả nước sẽ có thêm 19 đô thị loại I.

Đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt tối thiểu 45%, kinh tế đô thị đạt khoảng 75% GDP, 35% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự chủ về tài chính. Đến năm 2030, dân số nước ta sẽ đạt khoảng 105 triệu người, gồm 50 triệu dân số đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50% và phấn đấu đạt mức trung bình ASEAN, kinh tế đô thị đạt khoảng 85% GDP cả nước (Dịch Phong, 2022).

Ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, một số khu đô thị được xem như là đô thị sinh thái (hay) đô thị xanh song mới chỉ nhận thấy nhiều cây xanh, tổ chức không gian công cộng. Tuy nhiên, để phát triển đô thị xanh ở Việt Nam đúng nghĩa, theo nhà nghiên cứu Lê Thị Bích Thuận (2016), cần tập trung các giải pháp như: (1) Xây dựng đô thị nén kết hợp không gian mở; (2) Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; (3) Tổ chức không gian xanh đem hiệu quả cải thiện điều kiện vi khí hậu cho đô thị; (4) Giải pháp hạ tầng kỹ thuật và giao thông xanh, phát triển giao thông công cộng nhằm hạn chế phát thải khí carbon; (5) Giải pháp tổ chức không gian xanh – mở giảm chi phí năng lượng.

2. Xu hướng đô thị trung hòa carbon trên thế giới và tiếp cận cho Việt Nam

Tại Thỏa thuận Paris (2015), các nước đã cam kết giảm thiểu khí nhà kính (KNK) dưới 2oC và giảm thêm 1,5oC giúp đạt được trung hòa carbon (không phát thải carbon) trong đô thị trước 2050. Theo đó, đô thị trung hòa carbon là đô thị “không phát thải carbon” trong quá trình phát triển.

Tại COP26, Việt Nam với cam kết mức phát thải ròng về “0” vào 2050, cùng hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; 141 quốc gia tham gia tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch (Văn Toàn, 2022). Bên cạnh đó, Hiệp hội đô thị trung hòa carbon (CNCA) cho rằng, đô thị trung hòa carbon là đô thị “cắt giảm KNK từ 80 – 100% trước năm 2050 hoặc sớm hơn”.

a. Định nghĩa và kinh nghiệm thế giới

Cho đến nay, chưa thấy nghiên cứu hoàn chỉnh về “thành phố/đô thị trung hòa carbon” (Aapo Huovila và đồng nghiệp, 2022). Qua nghiên cứu tổng hợp của Trường Đại học Văn Lang cho thấy: Đô thị trung hòa carbon phản ánh khả năng duy trì trạng thái cân bằng giữa lượng phát thải và lượng hấp thụ KNK hoặc giảm phát thải KNK trong khu vực nội thành và ngoại thành theo từng giai đoạn (đến năm 2030 và 2050).

Còn theo C40 Cities 1, thành phố trung hòa carbon đáp ứng việc phát thải KNK bằng 0 từ việc sử dụng nhiên liệu/ vật liệu trong công trình, giao thông và công nghiệp (thuộc phạm vi 1), sử dụng mạng lưới cung cấp năng lượng (phạm vi 2), xử lý rác thải sinh ra trong phạm vi thành phố (phạm vi 1 và 3). Cách tiếp cận này đang được tham khảo rộng rãi và trung hòa carbon trở thành tâm điểm trong chính sách và hành động của các thành phố. Nhiều thành phố ở châu Âu (Phần Lan, Đan Mạch, Vương Quốc Anh, Hà Lan…) đã công bố thời gian để đạt được mục tiêu và tiến tới trung hòa khí hậu.

Thành phố xanh có thể là tương lai của Việt Nam và thế giới – Ảnh: The Nature

Một số thành phố ở Phần Lan đã đặt mục tiêu trở trung hòa carbon vào năm 2030 đến năm 2035. Đây sẽ là những bài học cho các nước công nghiệp và đang phát triển. Có thể kể đến, thành phố Espoo đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2030 và giảm phát thải lên tới 80% (giai đoạn 1990 – 2030). Trong đó, tập trung vào các giải pháp năng lượng thông minh và sản phẩm năng lượng không phát thải (Espoo, 2021).

Thành phố Helsinki đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2035 và giảm phát thải lên tới 80% (giai đoạn 1990 – 2035). Thành phố giảm KNK từ việc sử dụng năng lượng trong các công trình lên tới 82% giai đoạn 1990 – 2035. Giảm 69% nguồn phát thải KNK từ giao thông (điện hóa các phương tiện).

Ngoài ra, một số quá trình chuyển đổi ở các thành phố của Đan Mạch và Hà Lan trong quá trình áp dụng khung chỉ tiêu giảm phát thải khí carbon đã được nêu ra bởi học giả S.M. Allison, L. Bundgaard (2015). Thành phố Zoetermeer xác định chiến lược giảm phát thải khí carbon bắt đầu từ năm 2007 đến năm 2030.

Mục tiêu dài hạn trong việc trung hòa carbon 100% đến năm 2030 bao gồm: Nhiệt độ, nước nóng và làm mát. Thành phố Eindhoven tập trung vào môi trường xây dựng. Thành phố Sonderborg: Trung hòa carbon bao gồm tất cả các lĩnh vực năng lượng và vận tải (không bao gồm: Vận tải đường sắt, xe lửa, đường hàng không). Với mục tiêu từ năm 2010 – 2015 phát thải khí carbon sẽ giảm 25%, từ năm 2016 – 2029 phát thải khí carbon giảm 75% (sẽ được chia làm nhiều giai đoạn khác nhau).

Thành phố Copenhagen đang trở thành TP đầu tiên hướng tới trung hòa carbon tính đến năm 2025. Giảm thiểu những nguyên nhân do biến đổi khí hậu gây ra, trong đó: 74% sản xuất năng lượng, 11% di chuyển xanh, 7% tiêu thụ năng lượng, 6% sáng kiến mới, 2% sáng kiến quản lý thành phố.

Hướng đến việc tối ưu hóa các đối tượng sau để giảm phát thải carbon trong thành phố: Tiêu thụ điện năng, năng lượng trong quá trình sản xuất, di chuyển xanh, những sáng kiến mới trong việc vận hành thành phố bao gồm: Xây dựng, điện năng, khí đốt, vận tải và công nghiệp. Chiến lược được chia thành các giai đoạn thực hiện, giai đoạn thứ nhất từ năm 2009 – 2012, 2013 – 2016, 2017 – 2020, 2021 – 2025.

Từ kinh nghiệm trên, mục tiêu “trung hòa carbon” mang tính linh hoạt hơn là mục tiêu “carbon trở về bằng 0” (hay là 0 các-bon). Trong khi “0 carbon” đòi hỏi loại trừ tất cả các phát thải carbon thì trung hòa carbon cho phép bù – trừ phát thải thông qua việc mua bán qua bên thứ ba nằm ngoài phạm vi thành phố (Kennedy và Sgouridis, 2011).

b. Các thành tố đối với đô thị trung hòa carbon

Học giả Salvia và đồng nghiệp (2021) cũng chỉ ra rằng nhiều yếu tố quyết định đến thực hiện cam kết Thỏa thuận Paris 2015 trong việc cắt giảm phát thải KNK và carbon về 0 trong một giai đoạn nhất định của phát triển đô thị, các yếu tố đó là: Quy mô dân số đô thị; chính sách giảm thiểu tác động BĐKH.

Bên cạnh đó, mô hình FML (system dynamic models, công cụ cho quy hoạch đô thị), các học giả Fong, Matsumoto và Lun (2009) đã mô phỏng dự đoán mức tiêu thụ năng lượng của đô thị và mức phát thải carbon. Đối với các nước đang phát triển cũng như các đô thị đang bùng nổ dân số thì thiếu thông tin, dữ liệu đầu vào để mô hình dự đoán FML được chính xác. Mô hình FML bao gồm 4 tiểu mô hình trong phát thải carbon tại đô thị và là nguồn chính tiêu thụ năng lượng trong đô thị: Ở, thương mại, công nghiệp, giao thông.

Ngoài ra, một số chính sách quản trị cắt giảm phát thải carbon trong đô thị bằng giải pháp quy hoạch ngoài công cụ quy hoạch mô hình mô phỏng về phát thải carbon như: (1) Ưu tiên sử dụng giao thông công cộng hơn giao thông cá nhân; (2) Đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng đô thị; (3) Sử dụng nguồn tài nguyên đất hiệu quả (tài nguyên có hạn và phát triển đô thị nén). (4) Giải pháp mảng xanh hạn chế phát thải carbon; tăng khả năng hấp thụ và giữ carbon. Mảng xanh đã trưởng thành khó là giải pháp hấp thụ carbon hiệu quả. Một số giải pháp thay thế công nghệ truyền thống bằng công nghệ cao, sử dụng năng lượng hiệu quả cũng cho kết quả mô phỏng cắt giảm phát thải carbon đáng kể.

Về cấu trúc đô thị và năng lượng, theo Owens (1986) hình thức đô thị phản ánh cấu trúc không gian đô thị (sử dụng đất) xác định nhu cầu và tiêu dùng năng lượng (ví dụ về giao thông và nóng lên khu vực nội đô) và các cơ hội cho hệ thống năng lượng thay thế (khả thi). Những đặc điểm hiệu quả năng lượng của cấu trúc không gian bị ảnh hưởng bởi sự nén, sử dụng đất tích hợp, nhóm chuyến đi, các đơn vị đô thị độc lập về kích cỡ và số lượng. Học giả cũng miêu tả “đô thị nén”, “hình thức quần đảo” và “cấu trúc ô vuông tuyến tính” được xem như các loại cấu trúc không gian đem lại hiệu quả năng lượng.

Nghiên cứu ở các nước Bắc Âu cũng chỉ ra rằng, “sự tập trung phân cấp/ phân tán có thể là hình thức dân cư đem lại hiệu quả năng lượng nhất ở phạm vi vùng rộng lớn”. Các thành phố mật độ cao và tập trung được quan tâm cho việc giảm sự cần thiết đi lại bằng ôtô (Naess, Sandberg & Roe, 1996). Newman và Kenworthy (1988) cung cấp minh chứng rằng, các yếu tố vị trí ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ năng lượng (fuel/ chất đốt) hơn là tắc nghẽn giao thông. Nói cách khác, các cấu trúc đô thị nén, phát triển tập trung tạo điều kiện và ủng hộ sự sử dụng hiệu quả năng lượng trong các thành phố (Fertner & Grobe).

Nghiên cứu về hệ thống giao thông và hình thức đô thị cho thấy, “hình thức đô thị không chỉ tạo nên sự di chuyển, sự di chuyển cũng tạo nên hình thức đô thị”. Giao thông công cộng cần được kết hợp với sử dụng đất và quy hoạch giao thông để hạn chế sử dụng ôtô và định hướng phát triển hướng tới các điểm trung chuyển (Anderson, Kanaroglou, & Miller, 1996).

Quá trình đô thị hóa nhanh (ở Trung Quốc hơn 35 năm qua) đã thúc đẩy phát triển kinh tế, đem lại thay đổi xã hội cơ bản và giúp làm tăng tiêu chuẩn sống của dân số đô thị và nông thôn. Giai đoạn tới, phát triển đô thị cần phải thích nghi tiếp cận xanh hơn và carbon thấp, cách tiếp cận tập trung vào sử dụng đất đai, năng lượng và các nguồn lực hiệu quả.

Chính phủ Trung Quốc nhận ra sự cần thiết về chất lượng đô thị hóa. Tháng 4/2014, Trung Quốc đã ban hành tài liệu quan trọng, tiêu đề “Quy hoạch quốc gia về hình thức đô thị hóa mới giai đoạn 2014 – 2020 hướng đến những nguyên tắc hướng dẫn căn bản.

Những nguyên tắc về: Thực hiện phát triển đô thị công bằng và trọng tâm con người; tối ưu hóa quy hoạch đô thị (urban layout) nhấn mạnh vào đô thị nén và hiệu quả; theo đuổi “văn minh sinh thái” và tăng trưởng xanh và carbon thấp; bảo tồn di sản văn hóa và đặc trưng bản địa. Do đó, nhiều thành phố Trung Quốc đã công bố tầm nhìn và mục tiêu phát triển xanh và thực hiện những dự án thí điểm ý tưởng mới, như Eco-City, Low Carbon City, Livable City, Smart City và Health City.

3. Khả năng phát triển mô hình đô thị trung hòa carbon ở Việt Nam

a. Trong nước

Hiện ngành Xây dựng ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng (2020) về ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 đã xác định các mục tiêu: Xây dựng và thực hiện lộ trình cam kết của Ngành trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; giảm nhẹ phát thải KNK tối thiểu giai đoạn đến năm 2030 của ngành Xây dựng là 74,3 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ) đến năm 2030, ít nhất 25% khu đô thị mới đạt tiêu chí khu đô thị xanh, phát thải carbon thấp. 100% công trình đầu tư mới và các công trình sửa chữa cải tạo phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; ban hành cơ chế khuyến khích phát triển công trình xanh, khu đô thị/đô thị xanh, khu đô thị/đô thị phát thải carbon thấp.

Về lĩnh vực môi trường, kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 – 2025 được Bộ TN&MT ban hành. Theo kế hoạch đến hết năm 2023, cả nước sẽ có 50% số tỉnh, thành phố hoàn thành và công bố kết quả kiểm kê khí thải. Bộ TN&MT sẽ tổ chức thực hiện kiểm kê các nguồn phát thải khí, bụi (Mai Chi, 2022).

Thêm nữa, chiến lược hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon, đóng góp vào hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu theo 4 mục tiêu chính: Giảm cường độ phát thải KNK trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. Các địa phương và các cơ quan liên quan tiến hành triển khai thực hiện theo Kế hoạch hành động quốc gia về tăng tưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 tập trung xác định các hoạt động cụ thể, thời gian thực hiện, phân công trách nhiệm và nguồn lực huy động tương ứng.

Về lĩnh vực xây dựng, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đã xác định đến năm 2030: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom chiếm 10%; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 20% và 5%; ít nhất 10 đô thị phê duyệt, thực hiện Đề án tổng thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo hướng đô thị thông minh bền vững.

Đến năm 2050: 100% tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, trong đó hạn chế tối đa việc chôn lấp chất thải rắn hữu cơ, chất thải có thể tái chế; 100% các đô thị xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống thoát nước, xóa bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị; 100% nước thải được xử lý đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặt biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 15%; ít nhất 45 đô thị phê duyệt, thực hiện Đề án tổng thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo hướng đô thị thông minh bền vững (Bộ Xây dựng, 2021).

b. Phương pháp tiếp cận và hướng giải pháp giảm thiểu các-bon

Theo hướng dẫn Kế hoạch thành phố trung hòa carbon năm 2050, Kwi-Gon Kim (2022) chỉ ra một số nguyên tắc căn bản khi lập kế hoạch, đó là: Lộ trình của thành phố cắt giảm phát thải để đảm bảo trung hòa carbon vào năm 2050; thiết lập mục tiêu trồng cây xanh làm tăng độ che phủ cây xanh vào năm 2030 và 2050; tính toán việc cô lập carbon, tiếp cận dự báo BAU quan tâm dân số, tăng trưởng kinh tế, đổi mới công nghệ, thay đổi ứng xử của người dân; các dự án trung hòa carbon; đền bù carbon.

Mô hình LCA đánh giá phát thải các-bon và giảm phát thải trong vận hành công trình dân dụng – Ảnh: Jiajia Wang và đồng nghiệp, 2021.

Thêm nữa, Jiajia Wang và đồng nghiệp (2021) chỉ ra phương pháp đánh giá vòng đời (life cycle assessment/ LCA) giữa “phát thải carbon” với “hiệu quả giảm” trong vận hành công trình đô thị. Từ đó, xem xét không gian xanh phù hợp hình thành, phát triển “bể chứa carbon” nhằm cải thiện và giảm thiểu carbon theo mô hình trên.

Mảng xanh đô thị là phần thiết yếu giúp điều hòa khí hậu, cải thiện lượng CO2 có trong không khí góp phần giảm thiểu phát thải KNK và tạo cảnh quan đô thị. Hướng tiếp cận này nhằm ước tính mật độ cây xanh, tính toán lượng phát thải KNK và khả năng hấp thu KNK bởi hệ thống cây xanh. Qua đó, đánh giá được mức độ cân bằng giữ trữ lượng CO2 hấp thu trong cây xanh so với lượng khí thải nhà kính cùng thời điểm.

4. Thay cho lời kết

Các đô thị đóng vai trò trung tâm trong các nỗ lực cắt giảm phát thải KNK toàn cầu. Mặc dù tổng diện tích đất của thế giới dành cho các đô thị chỉ chiếm 2%, các đô thị vẫn chiếm 2/3 2 mức năng lượng tiêu thụ và tạo ra 70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (LHQ, 2016, A. Sodiq, 2019). Nhằm đạt được các mục tiêu cắt giảm phát thải carbon của thế giới cũng như của Việt Nam thì các thành phố chính là hạt nhân của các nỗ lực, chủ động phát triển thành các đô thị không phát thải.

Đô thị không phát thải hay còn gọi là đô thị trung hoà carbon là đô thị giảm phần lớn lượng khí thải các-bon và bù đắp lượng khí thải còn lại, đến mức các hoạt động của nó không làm tăng lượng khí thải ròng. Hiện tại, 708 thành phố đã tham gia cuộc đua với cam kết loại bỏ khí thải vào năm 2050 (Karim Elgendy, 2021).

Các đô thị cần được hỗ trợ trong việc xây dựng và đánh giá các kế hoạch và hành động, phát triển các ý tưởng sáng tạo và đổi mới và tăng cường hợp tác với các bên liên quan trong việc phát triển đô thị trung hòa carbon; Đồng thời, đẩy mạnh các nghiên cứu về động lực và rào cản, cung cấp các kinh nghiệm điển hình hữu ích từ các quốc gia trên thế giới là cơ sở để hỗ trợ các đô thị triển khai mục tiêu đầy tham vọng về trung hoà carbon…; là nền tảng cho các hướng phát triển thành phố, môi trường ngày càng bền vững hơn ở Việt Nam và thúc đẩy sớm hoàn thành cam kết của chúng ta tại COP26.

(Nguồn: Tạp chí Xây Dựng)

Đọc thêm

lên đầu trang