Với mô hình này, Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi tương đối kinh tế và bảo đảm giảm tối đa các ca tử vong hay bệnh nặng xảy ra cho độ tuổi trên 65 và những người có bệnh nền.
Việt Nam đã và đang theo đuổi mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 Việt Nam đã thực hiện thành công chiến lược này – với tỷ lệ người nhiễm COVID-19 thấp (0,01% trên tổng dân số) và số người tử vong cũng rất thấp (55 người – chiếm 0,56% trong tổng số người mắc COVID).
Tuy nhiên, với biến chủng Delta, vì sự lây lan quá nhanh của nó, đã gây ra đợt dịch COVID-19 hiện tại, de dọa nghiêm trọng tới việc thực hiện chiến lược mục tiêu kép của Việt Nam (số lượng người nhiễm từ ngày 27/4 đến 5/8 lên 177.804 người.
Dịch đã lan ra 62 tỉnh trên toàn quốc, tình hình diễn tiến đặc biệt nghiêm trọng ở một số tỉnh thành là các trung tâm kinh tế trọng điểm của Việt Nam như TP Hồ Chí Minh (TP HCM), Bình Dương, Đà Nẵng, dẫn đến việc phải giãn cách toàn xã hội, theo chỉ chị 16 và còn cao hơn Chỉ thị 16. Tình hình đó đòi hỏi phải có sự điều chỉnh về mặt chiến lược chống COVID cũng như điều chỉnh về mục tiêu kép trong tình hình mới.
Mục tiêu kép mới: Nếu mục tiêu kép trước đây giữ gìn và đẩy mạnh tăng trưởng và giảm tối đa các ca dương tính, thì mục tiêu kép “mới” là: cực tiểu hóa các ca nhiễm bệnh nặng và tử vong, trong khi vẫn có thể có tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) nhưng với một nhịp độ có thể thấp hơn chỉ tiêu 6,5% cho năm 2021.
Theo ý chúng tôi, Việt Nam nên tạm thời gác qua một bên sự quan tâm về nhịp độ tăng trưởng kinh tế 6,5% cho năm 2021 (như nêu tại Nghị quyết số 75/NQ-CP banh hành ngày 14/7/2021, tại phiên họp Chính phủ), và tập trung vào chống dịch và đặc biệt chiến lược tiêm vaccine.
Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, bà Kristalina Georgieva, đã kêu gọi các quốc gia tập trung vào thực hiện chính sách vaccine, và cho rằng trong năm 2021 và có thể cả năm 2022 chính sách vaccine còn quan trọng hơn cả các chính sách tài chính và tiền tệ.
Theo đó, Việt Nam nên tạm thời gác qua một bên sự quan tâm về nhịp độ tăng trưởng kinh tế 6,5% cho năm 2021. Trong năm 2021 và có thể cả năm 2022 chính sách vaccine còn quan trọng hơn cả các chính sách tài chính và tiền tệ.
Điều này cũng nhất quán với nhận định của Philippe Aghion (GS Harvard và từng làm tư vấn chính sách cho Tổng thống Pháp) cùng cộng sự, rằng không có sự đánh đổi giữa sức khỏe và kinh tế – chỉ có thể phát triển kinh tế khi chống dịch COVID thành công.
Ngoài ra, ông còn cho rằng việc tiêm nhanh và hiệu quả còn có tác dụng (i) ngăn chặn chủng Delta bành trướng mạnh, có cơ nguy biến dạng thành một chủng khác nguy hiểm hơn và gây tác hại toàn cầu; (ii) để hy vọng Việt Nam sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng trong chừng mực nào đó.
Hiện nay, đã có sự đồng thuận tương đối giữa các giới chuyên môn về y khoa, kinh tế cũng như các cơ quan hữu trách về sự cần thiết của biện pháp tiêm vaccine chống COVID-19 càng nhanh càng tốt. Mục tiêu của bài viết ngắn này là đưa ra một lộ trình tiêm vaccine với mục tiêu kép mới.
Lộ trình triển khai tiêm vaccine chúng tôi đề xuất ở đây được đặt trong hoàn cảnh: (i) Việt Nam đang có dịch nghiêm trọng với biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao; (ii) các địa phương có mật độ dân số khác nhau, vai trò kinh tế khác nhau và mức độ dịch khác nhau; (iii) Việt Nam chưa tự chủ được nguồn vaccine, phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu hoặc viện trợ từ bên ngoài; (iiii) đa dạng chủng loại vaccine với các mức hiệu quả chống lây nhiễm và chống tử vong khác nhau.
Đối tượng ưu tiên: Ngoài những nhóm đối tượng đã được Chính phủ xác định ưu tiên tiêm chủng vaccine phòng COVID, chúng tôi muốn bổ sung ba nhóm đối tượng.
- Nhóm 1: Ở Việt Nam cũng giống như các nước trên thế giới, nếu tỷ lệ bị lây nhiễm COVID-19 của người dưới 65 tuổi rất cao so với người trên 65, thì ngược lại những ca bị nặng phải vào đơn vị chăm sóc đặc biệt hay tử vong lại rất cao ở những người trên 65 tuổi, và những người có bệnh nền.
Mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất của tiêm chủng là để hạn chế tôi đa những ca tử vong hay bệnh nặng. Do đó những người trên 65 tuổi và những người có bệnh nền là đối tượng đáng quan tâm nhất trong chiến lược tiêm vaccine.
Như hình minh họa dưới dây của trong bài viết Chiến lược tối ưu chống COVID của Melis Tekant trên của Đại học Harvard, thì khi ưu tiên người trẻ sẽ làm giảm số ca lây nhiễm nhưng không làm giảm các ca nặng và tỷ lệ chết, nhưng ưu tiên tiêm cho người già thì sẽ giảm các ca nặng nhưng không làm giảm lây nhiễm.
Trong hoàn cảnh số ca nhiễm đã quá lớn, việc đặt mục tiêu không lây nhiễm là bất khả thi, và mục tiêu giảm ca nặng cần được ưu tiên.
- Nhóm 2: Nhóm lao động thiết yếu (essential workers), là những nhóm lao động cần thiết để đảm bảo cho sự vận hành cơ sở hạ tầng và dịch vụ thiết yếu. Đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng việc ưu tiên vaccine cho nhóm lao động thiết yếu này sẽ làm giảm cả số lượng người bị lây nhiễm cũng như ca nặng phải nhập viện hay chết.
Ở từng nước khác nhau, nhóm lao động thiết yếu có thể khác nhau. Do đó, Việt Nam cần xác định các nhóm lao động thiết yếu để đảm bảo nền kinh tế vẫn có thể vận hành suôn sẻ, vừa chống dịch vừa đảm bảo mục tiêu kinh tế.
- Nhóm 3: Nhóm siêu lây nhiễm (super spreaders). Đây là nhóm người, dân cư có tiếp xúc xã hội nhiều (một phần có thể do tính chất ngành nghề, độ tuổi). Họ chỉ chiếm 10% tổng số người bị nhiễm nhưng lại có thể gây ra đến 80% tổng số ca nhiễm10.
Tiêm vaccine sớm cho nhóm này cũng được coi là một ưu tiên chống dịch đặc biệt hiệu quả, nếu như có thể xác định sớm được nhóm này.
Lộ trình tiêm vaccine
Trong Phần 1, chúng tôi đưa ra lộ trình tiêm vaccine cho Thành Phố Hồ Chí Minh. Trong Phần 2, chúng tôi sẽ đưa ra lộ trình cho các vùng, miền khác.
- Thành Phố Hồ Chí Minh (TP.HCM)
Hiện tại diễn biến COVID-19 tại thành phố vẫn còn rất phức tạp, và đang được sự ưu tiên của cả nước, vừa để chống dịch sớm vừa để đảm bảo phát triển kinh tế.
Thành phố TP. HCM là nơi năng động nhất về kinh tế của Việt Nam. Tỷ trọng GDP của TP.HCM là 22% của GDP Việt Nam. Dân số TP.HCM vào khoảng 9 triệu người, trong đó số lượng công nhân vào khoảng 3,5 triệu.
Tỷ lệ người trên 65 tuổi của toàn quốc là khoảng 8%. Giả thiết là tỷ lệ này cũng đúng cho TP.HCM thì chúng ta sẽ có trên dưới 720.000 người trên 65 tuổi ở TP.HCM. Trong số những người này có nhiều người có bệnh nền (huyết áp cao, tiểu đường, suy tim, mỡ trong máu nặng, ung thư).
Chúng tôi giả sử số người dưới 65 tuổi có bệnh nền ở TP.HCM là khoảng 500,000. Như thế, tổng cộng số người trên 65 tuổi, số người có bệnh nền và số lượng công nhân sẽ là khoảng 4,7 triệu người.
TP.HCM đã thông báo là sẽ có 5 triệu liều vaccine trước 15 tháng 8 năm nay. Chúng tôi đề ra phương án như sau:
- Đợt 1. Tiêm vaccine cho toàn bộ những người công nhân (3,5 triệu) và toàn bộ người trên 65 tuổi và có bệnh nền. Sẽ dôi ra 300,000 liều vaccine. TP.HCM sẽ tiêm cho những người ở tuyến dầu chống dịch và những người lái xe đường dài, bán chợ đầu mối, giao hàng (đây chính là nhóm lao động thiết yếu đề cập ở trên, đồng thời cũng có khả năng lây nhiêm cao do tiếp xúc nhiều), vv chưa được tiêm. Đợt 1 sẽ tiến hành trong vòng 3 tuần, nếu TPHCM có thể tổ chức được.
- Đợt 2: Sẽ tiêm tiếp toàn bộ những người đã được tiêm mũi thứ nhất ở Đợt 1. Đợt 2 cũng sẽ diễn ra trong 3 tuần.
Như vậy, sau 6 tuần, TP.HCM sẻ giải quyết vấn đề của những người trên 65 tuổi, những người có bệnh nền và những người lao động ở các khu công nghiệp. Những khu công nghiệp có thể hoạt động trở lại tương đối một cách bình thường. Những công nhân sẽ không bị giữ lại tại chỗ, để vừa làm việc, vừa nghỉ. Họ về lại nhà như trước.
Vì những người lớn tuổi và những người có bệnh nền đã được tiêm hai lần, những người dưới 65 chưa được tiêm sẽ không làm lây lan nhiều đến những người cao tuổi và những người có bệnh nền.
Mô hình ở TP.HCM sẽ được áp dụng cho những tỉnh thành, những vùng có những khu công nghiệp đang có nguy cơ. Lộ trình tiêm sẽ đi từ nhóm ưu tiên đến dân số nói chung. Còn ở những vùng phi công nghiệp khác tại các tỉnh này, nên tiêm ưu tiên cho những người trên 65 và những người có bệnh nền.
- Đợt 3: TP.HCM sẽ tiến hành tiêm cho những người dưới 65 tuổi (dân số nói chung). Mục đích tiếp tục tiêm vaccine là:
(i) ngăn chặn chủng delta bành trướng mạnh và có cơ nguy biến dạng thành một chủng khác nguy hiểm hơn nữa. Như thế sẽ tác hại toàn cầu; (ii) để hy vọng là Việt Nam sẽ đạt được, trong chừng mực nào đó, miễn dịch cộng đồng.
- Cũng nên tiêm, tương đối ưu tiên, cho những người muốn trở về quê sinh sống, vì họ đã suy sụp kinh tế ở các thành phố lớn như TPHCM, TP Hà Nội. Dĩ nhiên những người trở về quê phải làm test PCR.
- 2. Lộ trình cho những tỉnh thành khác, vùng khác
2.1 Những tỉnh, thành có tầm quan trọng kinh tế, có nguy cơ COVID cao (như Bình Dương, Đồng Nai, Đà nẵng, các tỉnh miền tây phía Nam): Mô hình ở TPHCM sẽ được áp dụng cho những tỉnh thành, những vùng có những khu công nghiệp đang có nguy cơ. Lộ trình tiêm sẽ đi từ nhóm ưu tiên đến dân số nói chung. Còn ở những vùng phi công nghiệp khác tại các tỉnh này, nên tiêm ưu tiên cho những người trên 65 và những người có bệnh nền.
Cũng nên tiêm, tương đối ưu tiên, cho những người lái xe đường dài để hàng hóa có thể lưu thông (chuỗi sản xuất không bị cắt đứt) và để cho những người muốn trở về quê sinh sống, vì họ đã suy sụp kinh tế ở các thành phố lớn như TP.HCM, TP.Hà Nội. Đương nhiên những người trở về quê phải làm test PCR.
2.2 Những tỉnh miền núi, dân cư thưa, nguy cơ COVID chưa cao: Hiện số lượng vaccine được phân bổ cho các tỉnh này chưa nhiều, do còn đang ưu tiên những tỉnh đang có dịch, nên sẽ triển khai tiêm trước cho các nhóm ưu tiên đã nêu ở trên.
- Vấn đề chống vaccine, không tiêm vaccine, ngần ngại tiêm vaccine (Vaccine hesitancy): Trên thế giới cũng như Việt Nam, việc tiêm vaccine luôn gặp phải vấn đề ngần ngại, chống vaccine của một bộ phận không nhỏ dân chúng. Nếu điều này không được xử lý tốt trong hoàn cảnh dịch COVID-19 hiện nay, Việt Nam có thể không đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Trong giai đoạn đầu của chiến dịch tiêm vaccine, nhìn tỷ lệ người sẵn sàng tiêm vaccine sẽ lớn, không gây ra chậm trễ đáng kể trong việc triên khai tiêm. Tuy nhiên sau một thời gian, thì tỷ lệ này ngày càng giảm xuống (do những người sẵn sàng tiêm đã tiêm rồi), và tỷ lệ người ngần ngại tiêm sẽ tăng lên.
Do đó Việt Nam cần xây dựng các thông điệp, biện pháp chính sách để người dân sẵn sàng đi tiêm hơn. Một trong những gợi ý, đó là cho phép tiêm dịch vụ chất lượng cao có sự tham gia của các bệnh viện tư.
Lời kết:
Tóm lại, với mô hình này, Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi tương đối kinh tế và bảo đảm giảm tối đa các ca tử vong hay bệnh nặng xảy ra cho độ tuổi trên 65 và những người có bệnh nền.
Nguyễn Ngọc Anh, Trần Nam Bình, Lê Văn Cường
Về các tác giả:
TS Nguyễn Ngọc Anh (DEPOCEN)
GS Trần Nam Bình (The University of New South Wales Sydney)
GS Lê Văn Cường (Paris School of Economics)