Đánh thức không gian xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh

28/12/2017 02:54

(595)


Cùng với xu thế của các quốc gia trên Thế giới, không gian xanh mát, trong lành được nhận định sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị. Người dân đô thị có quyền được sinh sống trong môi trường xanh – sạch – đẹp với nhiều cây xanh và bầu không khí thoáng đãng, lành mạnh.

KHÔNG GIAN XANH CHO THÀNH PHỐ CÓ ĐƯỢC QUAN TÂM KHÔNG?

Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước tình trạng kẹt xe ùn tắc giao thông nghiêm trọng, vấn nạn ô nhiễm không khí và không gian sống vô cùng phức tạp. Thực tế cho thấy, trong khi diện tích cây xanh, hồ nước giảm đi nhanh chóng, thì các tòa nhà cao tầng nhanh chóng mọc lên.

Theo báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia 2016 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, tại hai thành phố lớn ở Việt Nam là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có tỷ lệ diện tích cây xanh chỉ đạt khoảng 2 m2/người, tức là chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.

Trong khi đó, chỉ số tương tự ở Hồng Kông là khoảng 105,3 m2/người; Singapore khoảng 60 m2/người; Kuala Lumpur khoảng 43,9 m2/người. Trung bình mỗi năm nước ta có 392 người chết và thiệt hại hơn 1% GDP do các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu.

Hiện nay, hệ thống cây xanh, công viên đô thị còn chưa được quan tâm đầu tư thích đáng; tỷ lệ đất cây xanh, công viên đạt rất thấp so với tiêu chuẩn quy định; diện tích, mặt nước (sông, hồ) bị giảm xuống đáng kể.

Mặt khác, cây xanh ở đô thị nước ta chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Hệ thống cây xanh mới hình thành và tập trung tại các đô thị lớn và trung bình, còn tại các đô thị nhỏ, cây xanh chiếm diện tích không đáng kể.

Nhiều quận khu vực trung tâm thành phố có mật độ dân cư cao nhưng thiếu công viên cây xanh như quận 4, quận 8, Bình Thạnh, Bình Tân…

Tại quận Bình Tân, quy hoạch quận này có công viên tập trung thuộc Tiểu khu 3, khu dân cư Bình Trị Đông với tổng diện tích 47 ha, tuy nhiên đến nay công viên này vẫn chưa được xây dựng.

Còn tại quận Gò Vấp, Công viên văn hóa Gò Vấp rộng 37 ha đã được quy hoạch từ năm 2001 nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy. Ngay cả huyện Củ Chi – có quỹ đất lớn – dự án Công viên Sài Gòn Safari cũng không được triển khai trong hơn chục năm qua.

Tình hình không gian xanh tại các khu đô thị mới cũng không được quan tâm khi còn thiếu các không gian công cộng như quảng trường, vườn dạo, vườn hoa, công viên… Diện tích cây xanh, mặt nước đã không được khai thác, sử dụng hợp lý khiến chất lượng môi trường sống suy giảm.

KHÔNG GIAN XANH ĐẾN TỪ NHỮNG DỰ ÁN DÂN CƯ TẠI SÀI GÒN

Người dân đô thị hiện nay đang có xu hướng lựa chọn các khu đô thị có không gian xanh làm nơi an cư lạc nghiệp. Cho nên, TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng những dự án khu dân cư có mật độ không gian xanh cao. Có thể kể đến những dự án có mật độ không gian xanh cao như: Khu dân cư Đảo Kim Cương tại (Quận 2) có mật độ không gian xanh 86,5%; Dự án Vinhomes Central Park (Quận Bình Thạnh) có mật độ không gian xanh 84,23%; Dự án Vinhomes Golden River (Quận 1) có 81,4% mật độ không gian xanh…

Một nghiên cứu của Anh đã được tiến hành trong 17 năm với trên 5.000 hộ gia đình cho rằng, những người dân sinh sống ở gần các khu công viên và khu cây xanh, hoặc những không gian xanh trong các khu đô thị, sẽ cảm thấy cuộc sống thỏa mãn hơn.

Ngoài ra còn có dự án Feliz en Vista (Quận 2), Jamila Khang Điền (Quận 9), Kenton Node (Quận 7), New City Thủ Thiêm (Quận 2), Estella Heights (Quận 2), Masteri An Phú (Quận 2), Sunwah Pearl (Quận Bình Thạnh), Palm City (Quận 2), Saigon Gateway (Quận 9)… cũng có mật độ không gian xanh khá cao.

Việc đầu tư các dự án không gian xanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp cuộc sống bớt căng thẳng, hài hòa hơn. Và thực tế cũng diễn ra như thế khi ngày càng nhiều người có nhu cầu tìm đến các khu công viên cây xanh để thư giãn, hít thở không khí trong lành, tập luyện thể thao, thực hiện các hoạt động ngoài trời.

ĐÔ THỊ XANH TẠO RA MÔI TRƯỜNG SỐNG TỐT CHO CƯ DÂN

Quá trình thực hiện những dự án phát triển đô thị vô tình cướp đi những mảng xanh của trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Thế nhưng, không phải vì vậy mà không gian xanh trong những đồ án quy hoạch khu trung tâm không được đề cao, tiếp tục công tác bảo tồn và phát triển bền vững.

Để thực hiện dự án mở rộng không gian đô thị về phía sông Sài Gòn, một số cây xanh trên đường Lê Lợi và Tôn Đức Thắng đã bị đốn hạ để mở ra cơ hội hình thành một dãy không gian xanh rộng lớn. Đó là trục không gian công cộng, mảng xanh sắp được tổ chức liên hoàn dọc bờ Tây sông Sài Gòn, từ cầu Tân Thuận đến cầu Sài Gòn (có thể kéo dài đến bán đảo Bình Quới – Thanh Đa).

Trong tương lai, mạng lưới đi bộ nối các trục hành lang xanh với các nhà ga vận tải công cộng (trạm xe bus, metro,…) cũng sẽ phát triển. Khi mạng lưới đi bộ tăng lên thì không gian xanh cũng sẽ có điều kiện để phát triển song hành. Các thiết kế công trình hai bên đường sẽ hướng đến phục vụ người đi bộ như có mái che mưa, nắng ở tầng trệt, bố trí cây xanh tiểu cảnh…

Dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ tạo ra không gian công cộng của Quảng trường trung tâm – công viên bờ sông mang tính sáng tạo và góp phần tạo ra lá phổi xanh cho vùng đất Thủ Thiêm và TP. Hồ Chí Minh. Dự án sẽ hình thành vào năm 2020.

Chưa hết, trong các giải pháp thiết kế đô thị, Sở quy hoạch kiến trúc cho biết luôn ưu tiên tận dụng không gian để phát triển mảng xanh trong các khu dân cư, công trình (như phát triển hệ thống cây xanh xen cài đất trống chưa xây dựng, công trình hạ tầng kỹ thuật…; trồng cây xanh trên sân thượng chung cư, trường học…).

Để đánh thức không gian xanh tại TP. Hồ Chí Minh một cách bền vững ngoài các quy định, chính sách về quản lý quy hoạch kiến trúc, phát triển cảnh quan cây xanh hay các không gian công cộng… của chính quyền thành phố thì việc họ lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân thành phố, cũng như xu hướng của các quốc gia trên thế giới cũng vô cùng quan trọng.

ANH DƯƠNG (tổng hợp)

Đọc thêm

lên đầu trang