Chuỗi hội thảo DESIGN VOICES mở đầu sự kiện “VIETNAM DESIGN WEEK | VMARK 2022”

02/04/2022 04:09

(145)


Ngày 31/3/2022 vừa qua, diễn đàn VMARK DESIGN VOICES với chủ đề “Xu hướng thiết kế nội thất khu du lịch – nghỉ dưỡng và tổng quan thị trường” đã mở màn cho hoạt động trong chuỗi sự kiện VIETNAM DESIGN WEEK | VMARK 2022.

Xu hướng sống bền vững trong thiết kế nội thất du lịch – nghỉ dưỡng hậu Covid

Diễn đàn được đồng tổ chức bởi VDAS | VMARK và GROHE mang đến cho hơn 200 khách tham dự là các Nhà thiết kế, Kiến trúc sư,, chuyên gia phát triển bất động sản, các nhà quản lý du lịch… cái nhìn toàn cảnh về thị trường du lịch – nghỉ dưỡng và xu hướng mới trong thiết kế nội thất ngành du lịch – nghỉ dưỡng hậu Covid, nhằm hướng tới một lối sống bền vững, đúng chất “Design For Life”.

Hội nghị diễn ra với hai phiên thảo luận cùng sự góp mặt của tám diễn giả khách mời là các chuyên gia hàng đầu trong ngành thiết kế, quản lý, phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng…đã mang đến những chia sẻ gần gũi và hữu ích trong quản lý, phát triển và thiết kế nội thất ngành khu lịch nghỉ dưỡng.

Phiên đầu tiên xoay quanh thực trạng và xu hướng phát triển nội thất đến từ ông Mauro Gasparotti – Giám đốc Savills Hotels Asia Pacific; bà Liêu Thị Phượng – CEO Charm Group; ông Phan Thanh Hà – Trưởng phòng dự án phía Nam công ty GROHE.

Và tiếp nối là những câu chuyện ngành, chuyện nghề, những giá trị cần được phát huy trong thiết kế nội thất được nêu bật trong phiên hai với sự tham gia của bà Naomi Thủy Nguyễn – nhà sáng lập YC INTERIOR-ARCHITECTURE-CONSULTANT; ông Vũ Linh Quang – Giám đốc điều hành ARDOR ARCHITECTS; bà Fong-Chan Zeuthen – Thạc sĩ kiến trúc, nhà sáng lập KAZE Interior Design Studio; ông GALLAVARDIN Charles – nhà sáng lập T3 Architect.

Tại phiên thứ nhất, đối với thị hiếu của người tiêu dùng hậu Covid, đại diện từ GROHE chia sẻ: “Trong thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy xu hướng thiết kế có một sự thay đổi rõ ràng khi vấn đề Hygiene/ Vệ sinh được quan tâm và chú trọng nhiều hơn trước, đặc biệt là ở những khu vực công cộng, khu vực sinh hoạt chung như quầy rượu hoặc club house”

Nếu phiên một là các góc nhìn của các doanh nghiệp thì phiên hai là bức tranh định hướng ngành được dẫn dắt từ những nhà sáng tạo với nhiều năm kinh nghiệm.

Sau đại dịch được đánh giá là khoảng thời gian khó khăn nhưng ẩn chứa nhiều cơ hội để các doanh nghiệp, cá nhân chuyển mình tạo nên những bứt phá.

Bà Naomi Thuỷ Nguyễn nhận định: “Ngày nay, để hình thành quan điểm về hospitality thì không dừng ở chỗ là chúng ta nghĩ đến các trường phái như trước đây nữa mà chúng ta phải ưu tiên hàng đầu đó là an toàn và sức khỏe.

Từ chuyện an toàn và sức khỏe đó chúng ta phải nghĩ có khi là trong thập niên này sẽ có một xu hướng mới. Trước đây chúng ta đeo đuổi và ngày nay chúng ta vẫn tiếp tục theo đuổi sạch và xanh. Nhưng ngày nay sạch và xanh phải kèm theo an toàn cho sức khỏe nữa.

Các nhà thiết kế cần lưu tâm đến tất cả những gì liên quan đến yếu tố tác động đến con người khi sử dụng vào trong không gian, những chất hóa học, thiết bị sử dụng, cả thức ăn thức uống, tất cả mọi thứ. Vì khách hàng ngày nay tìm đến sự an toàn.”

Bên cạnh đó, ông Vũ Linh Quang chia sẻ thêm: “Hầu hết khách hàng của chúng tôi đều yêu cầu tính bền vững, đặc biệt là đối với các khách sạn / khu nghỉ dưỡng nơi môi trường sống tự nhiên và cây xanh là chìa khóa để thu hút khách.

Du khách nói chung sẽ trả nhiều tiền hơn nếu họ có khả năng tiếp cận tốt với các khu vực thiên nhiên ngoài trời, tầm nhìn tốt với nhiều cây cối xanh tươi.

Có một số khách hàng địa phương do dự trong việc tiếp cận thiết kế bền vững, nhưng hầu hết sau khi biết tất cả các lợi ích lâu dài, ưu nhược điểm và thời gian hoàn vốn, họ sẵn sàng thử từng bước, để đảm bảo môi trường tốt hơn cho khách của họ, nhân viên và môi trường xung quanh địa phương.”

Qua góc nhìn của mỗi diễn giả đã mang đến những gam màu khác nhau về xu hướng mới cho thiết kế nói chung và lĩnh vực nội thất nói riêng nhưng có cùng một điểm chung, đó là sáng tạo trên nền tảng bền vững, phát triển lấy con người làm trung tâm.

Dù bất kỳ cá nhân hay doanh nghiệp thì yếu tố nhân văn luôn được đặt lên hàng đầu. Và để giải quyết bài toán phát triển bền vững cần sự hợp tác đến từ sức mạnh sáng tạo của nhà thiết kế và tầm nhìn của các nhà đầu tư.

Chú ý mục đích “Check – in và hiệu ứng đám đông”

Tại hội nghị, bà Naomi Thủy Nguyễn và bà Fong-Chan Zeuthend đã có những trao đổi thẳng thắng về vấn đề khi được yêu cầu thiết kế nhằm mục đích “Check – in và tụ tập đám đông”.

Hai vị khách mời đều thấy rõ sức nặng truyền thông trong việc quảng bá hình ảnh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, mặt trái của hiệu ứng đám đông là tàn phá di sản, là một chuỗi công tác đầu tư hệ thống, các nhà thiết kế có thể sẽ đánh mất những nét đẹp khác khi phải cố gắng dựng lên một cái đẹp giả kích cầu du khách.

Và bà Naomi kết thúc bằng một quan điểm nhận được khá nhiều sự đồng tình từ khách mời: “Khi đã đẹp sẽ tự động lan tỏa, không cần phải tạo một cái ngòi nổ và khi nổ tung tóe sẽ không còn gì”.

Thông điệp bền vững là xu hướng trong tương lai

Thông điệp bền vững – xu hướng toàn cầu trong tương lai được quan tâm rất nhiều tại hội nghị. Nhưng làm thế nào để thật sự bền vững là một câu hỏi được nhiều khách mời đặt ra.

Ông Charles, đồng sáng lập T3 ARCHITECT, chia sẻ: “Thiết kế bền vững đối lập với Greenwashing. Greenwashing là thiết kế tạo nên một cảm giác xanh nhưng đó là một “hình ảnh giả”. Các thiết kế này được phủ một màu xanh bền vững ở vẻ ngoài nhưng các chi tiết bên trong lại không hề bền vững.

Thiết kế một dự án bền vững thực sự có nghĩa là xem xét tất cả các phần của tòa nhà để giảm lượng khí thải carbon, giảm nhu cầu năng lượng và cuối cùng là tạo ra sự thoải mái hơn cho khách hàng và tôn trọng môi trường.”

Như vậy, để hiểu và thực hiện bền vững trong thiết kế chúng ta cần phải xây dựng một quy trình bền vững từ gốc đến ngọn, từ những cái có thể nhìn thấy đến những cái không thể nhìn thấy.

Design Voice 1 đã kết thúc nhưng những giá trị, những quan điểm các diễn giả mang lại giúp khách mời có một cái nhìn tổng quan cho ngành thiết kế trong tương lai.

Hãy đăng ký tham gia “DESIGN FOR LIFE” VMARK AWARD 2022

VDAS | VMARK xin gửi lời cảm ơn chân thành đến nhà tài trợ GROHE đã đồng hành cùng Ban tổ chức trong suốt thời gian qua.

Cám ơn Tiến sĩ Josefine Wallat – tổng lãnh sự quán Đức tại TP.HCM; các Phòng thương mại quốc tế, các Diễn giả, các nhà Thiết kế, Kiến trúc và Doanh nghiệp đã mang đến những gam màu khác nhau cho sự thành công của chương trình.

Với sứ mệnh lan tỏa những giá trị đến cộng đồng thiết kế chuyên nghiệp, VDAS | VMARK mang đến không gian kết nối các tổ chức, cá nhân thông qua chuỗi các sự kiện và giải thưởng VMARK AWARD.

Đây là chương trình thường niên nhằm tôn vinh các dự án, ý tưởng sáng tạo trong các lĩnh vực thiết kế nội thất.

Với chủ đề “DESIGN FOR LIFE” VMARK AWARD 2022 đang nhận các bài dự thi cho 2 thể loại PROFESSIONAL và DESIGN CONCEPT. Thời gian gửi dự án, ý tưởng đến hết ngày 30/04/2022.

Hãy đăng ký tham gia ngay:  https://www.vietnamdesignweek.org/vmarkregistration để cùng được tôn vinh trong VIETNAM DESIGN WEEK | VMARK vào tháng 9/2022.

 

Đọc thêm

lên đầu trang