Chủng ngừa mùa Covid

04/08/2021 02:47

(66)


Sau chủ đề ưu tiên số một là tử vong, chủ đề “hot” thứ hai là chủng ngừa. Vậy chủng ngừa covid-19 hiện nay có vấn đề gì? Tôi xin nói thẳng, không đi vòng vo. Có tổng cộng 4 vấn đề sau:

  1. Chọn lựa thuốc chủng ngừa (nổi cộm nhất)
  2. Tốc độ tiêm chủng
  3. Chủng ngừa cho các đối tượng đặc biệt
  4. Quản lý chủng ngừa

Tôi xin nói từng vấn đề một.

Chọn lựa thuốc chủng ngừa

Hiện nay dư luận người dân rất hoang mang về chọn thuốc này, thuốc nọ, và việc lo sợ bị bắt ép phải chích thứ mà họ không thích, bị quy vào tội cố tình lây lan bệnh truyền nhiễm do không chịu chích ngừa loại thuốc họ không thích.

Nguyên nhân là do đâu, vì người dân chưa hiểu rõ ba việc sau: (1) Hiệu quả và mục đích của chủng ngừa. (2) Thế nào là một thuốc chủng ngừa đạt chuẩn an toàn và hiệu quả. (3) Luật dân sự về vi phạm luật pháp và luật về khám chữa bệnh. Nếu ngành y tế làm rõ điều này dân sẽ không còn hoang mang và tự khắc sẽ không có những tin đồn thất thiệt.

Người dân cần hiểu chủng ngừa không giúp họ không bệnh, nếu không tuân thủ 5K, tiếp xúc với người bệnh vẫn bị lây bệnh, và còn nguy hiểm hơn ở chỗ người chủng ngừa bị bệnh có thể không triệu chứng, và vô tình lây lan cho những người xung quanh.

Vậy chủng ngừa không phải là lá chắn thép 100%. Quan trọng nhất của chủng ngừa là giúp giảm số bệnh nhân nặng, giảm tỉ lệ tử vong và gánh nặng cho hệ thống y tế. Vậy nên chủng ngừa thuốc gì đạt chuẩn quốc tế của WHO đều đạt được mục đích này.

Vậy thuốc chủng ngừa nào đạt chuẩn?

Nếu là dân y khoa, đọc các tài liệu (bằng tiếng Anh) sẽ hiểu rõ, dân thường thì không, thế nên sẽ hoang mang. Thuốc đạt chuẩn phải qua đủ ba giai đoạn thử nghiệm về (1) tính sinh miễn dịch (tạo kháng thể chống virus), (2) tính an toàn (tỉ lệ % các tác dụng phụ nguy hiểm, không nguy hiểm), và (3) tính hiệu quả (cụ thể là tỉ lệ người đã chủng ngừa mà mắc bệnh, tử vong so với nhóm không chủng ngừa hoặc giả dược).

Các giai đoạn thử nghiệm phải được tiến hành tối thiểu trên một mẫu dân số qui định. Tất cả các thuốc được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt đều phải dựa trên những chỉ số này thông qua kiểm tra các số liệu thật trong hồ sơ nghiên cứu. Người dân có quyền được biết chúng.

Vậy nên chính phủ và ngành y tế nên công khai những số liệu này trên trang web của Bộ Y tế, Sở Y tế, Phòng Y tế quận huyện, các phương tiện truyền thông mỗi ngày để dân biết.

Việc đồng ý chủng ngừa và chọn lựa loại thuốc chủng ngừa của người dân lệ thuộc vào tâm lý và niềm tin của con người dựa trên cơ sở văn hoá, tôn giáo, kinh nghiệm sống hình thành trong suốt chiều dài lịch sử (không chỉ người dân mà thậm chí cả lãnh đạo, người nhà của lãnh đạo).

Họ sẽ thích hay không thích một loại hàng hoá (bao gồm thuốc) của một công ty hay một quốc gia nào đó (theo kiểu brand name). Rất nhiều người hỏi tôi, tôi đều nói trung thực theo khoa học và không theo cảm tính, nhưng đối với dân, sẽ rất khó, nên chúng ta sẽ phải cân nhắc thật kỹ và xem xét.

“Mục tiêu cuối cùng của chiến dịch chủng ngừa là gì, là toàn dân trong lứa tuổi yêu cầu phải được chủng ngừa để đạt miễn dịch cộng đồng”. Nếu những quyết định, chính sách làm ảnh hưởng đến tỉ lệ này là chúng ta sẽ thất bại, giống như Mỹ hiện nay, họ có thuốc tốt, làm đủ mọi cách phục vụ đến tận răng nhưng họ không thay đổi được niềm tin của người dân vào chủng ngừa thì tỉ lệ chủng ngừa vẫn chưa đạt được con số mong muốn.

Trong khi Việt nam có một lợi thế rất lớn là dân tin tưởng vào chủng ngừa, chấp hành mọi chủ trương của nhà nước, vậy phải biết tận dụng. Nếu niềm tin của dân vào một loại thuốc nào đó (đương nhiên có cơ sở khoa học) mà khiến cho họ đua nhau vui vẻ đi chủng ngừa, mà nó không ảnh hưởng gì đến chi phí-hiệu quả, lợi ích-nguy cơ, thậm chí sẵn sàng bỏ tiền đóng phí để chủng ngừa thì chúng ta nên thuận theo dân và phục vụ dân, để đạt được mục đích cuối cùng của chính phủ.

Rất nhiều bạn bè, người dân gọi điện thoại liên tục cho tôi mấy ngày nay, lo sợ rằng bị ép phải chích một loại thuốc họ không thích, bị phạt vì vi phạm luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Với tinh thần trách nhiệm của người bác sĩ, của người công dân tôi đã giải thích đầy đủ rất rõ để bảo vệ uy tín của ngành y tế và của chính phủ.

Luật khám chữa bệnh và an toàn người bệnh, luật về y đức viết rất rõ người dân (hay người bệnh) luôn có quyền được biết mình được điều trị, chích thuốc, uống thuốc gì, liều lượng hiệu quả ra sao; người dân (hay người bệnh) có quyền tự quyết, đồng thuận hay không đồng thuận với những điều trị hay can thiệp trên cơ thể mình, nên không có chuyện ngành y tế giấu giếm hay bắt ép bất kỳ ai.

Tôi cũng muốn làm rõ điều này giùm cho ngành y tế và chính phủ để dân thông suốt, đồng thời muốn nhắc nhở nhân viên y tế khi đi chủng ngừa phải công khai thuốc cũng giống như làm trong bệnh viện khi điều trị cho bệnh nhân.

Tốc độ tiêm chủng hiện nay một số nơi quá chậm

Rõ ràng, tốc độ tiêm chúng một số nơi chậm dù huy động khá nhiều nguồn nhân lực y tế, tôi nghĩ do các nguyên nhân sau:

– Khâu khám sàng lọc chậm. Người khám sàng lọc theo tôi chỉ cần (1) đánh giá dấu hiệu sinh tồn ổn định (theo lứa tuổi). (2) Hỏi tiền sử dị ứng và sốc phản vệ (nhưng nhớ đây không phải là chống chỉ định tuyệt đối), hiện chống chỉ định của nhà sản xuất là chỉ khi dị ứng và sốc phản vệ với chính các thành phần của thuốc chủng ngừa đó trong lần tiêm trước), hỏi tiền sử sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc mắc bệnh suy giảm miễn dịch. Còn bệnh nền gì đi nữa mà dấu hiệu sinh tồn ổn là được. Vì cứ hơi tăng huyết áp hay nhịp tim tí là hoãn cho về, nên số lượng chủng ngừa không đạt.

– Không quan tâm đến việc di chuyển của những người lớn tuổi, già yếu, người khuyết tật, bắt họ vào bệnh viện, khiến giảm bớt số người đi tiêm.

– Không làm rõ cho người dân về loại thuốc tiêm, khiến họ hoang mang không đi.

Nếu giải quyết được những ách tắc này, tốc độ sẽ tăng đáng kể.

Chủng ngừa cho đối tượng đặc biệt

Đây là những nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội: (1) Người có bệnh nền nặng; (2) Người khuyết tật; (3) Người già yếu > 65 tuổi; (4) Người nghèo không hộ khẩu, vô gia cư. Rất mừng là ngành y tế và chính phủ đã quan tâm đến tất cả các đối tượng này trong chủng ngừa covid-19, như dành thuốc tốt cho họ, không phân biệt có hay không có hộ khẩu, tạm trú hay thường trú.

Tuy nhiên như tôi đã nói mục tiêu cuối cùng của chiến dịch là tất cả phải được chủng ngừa. Vậy trong khi thực hiện chính sách, cơ sở y tế địa phương phải quan tâm tới những đối tượng này như sau:

– Sự di chuyển của người lớn tuổi, người khuyết tật  đến các chỗ tiêm chủng nhất là trong mùa dịch với chỉ thị 16

– Thời gian chờ đợi của người bệnh nền, người lớn tuổi

– Sự lây nhiễm chéo khi chủng ngừa nếu đưa họ đến bệnh viện hay chỗ đông người

Theo tôi Thành phố Thủ đức hiện làm khá tốt nhưng ở các nơi còn chưa triển khai. Nên tổ chức xe lưu động đến tận khu xóm gần nhà cư trú của các đối tượng này, có xe cấp cứu trang bị thuốc cấp cứu thông thường, thuốc dụng cụ chống sốc, bác sĩ sẵn sàng để phục vụ.

Sẽ có ý kiến phản biện sợ sự cố xảy ra cho những đối tượng này, xử lý không kịp, nhưng nên nhớ sốc phản vệ tần suất rất rất thấp, người già hay trẻ nguy cơ như nhau, quan trọng là trình độ cấp cứu của bác sĩ.

Ở các nước bác sĩ còn hướng dẫn cho cả người dân tự cấp cứu sốc phản vệ được, vậy tại sao nhân viên y tế lại sợ không làm được. Lớn tuổi thì ai chẳng có tăng huyết áp, mệt, suy nhược, lo lắng khi đi chủng ngừa, chứ người 80 tuổi huyết áp 160/90 mmHg bị cho về không chủng ngừa thì thật là oan. Vậy những ai sức khoẻ ổn định, gia đình đồng ý, cam kết thì nên phục vụ chủng ngừa tận nơi. Có thế dân sẽ an tâm và chủng ngừa đầy đủ.

Quản lý chủng ngừa

Đây là một vấn đề tôi quan tâm, vì tôi thấy người chủng xong mũi 1 thì không có tờ giấy gì chứng tỏ họ đã chích cả. Lỡ chẳng may họ quên ngày chích thì làm sao biết mà đi chích mũi 2. Ở Việt nam không có hệ thống y tế nhắc nhở người dân đến ngày giờ đi chủng ngừa, tái khám, kiểm tra sức khoẻ như các nước Âu Mỹ.

Tôi cũng không biết là khi chủng ngừa có nhập dữ liệu vào mạng lưới tiêm chủng quốc gia không để còn thống kê, làm chính sách sau này, để nhắc dân đi chích mũi 2, để cấp giấy chứng nhận, cấp hộ chiếu vaccine… Nếu hệ thống này lộn xộn, lẻ tẻ từng phường, quận, thành phố, rồi lại không kết nối, không lưu dữ liệu thì làm sao quản lý và làm nhiều việc sau này đây. Có bộ phận nào giám sát việc này ở Sở Y tế, Bộ Y tế không?

Nhưng làm gì thì làm chúng ta phải hướng tới “Mục tiêu cuối cùng của chiến dịch chủng ngừa là toàn dân trong lứa tuổi yêu cầu phải được chủng ngừa để đạt miễn dịch cộng đồng”. Nếu bất kỳ yếu tố nào cản trở việc này cần phải được xem xét và giải quyết ngay một cách công khai để an lòng dân.

PGS.TS. Vũ Minh Phúc

 

 

 

Đọc thêm

lên đầu trang