Chủ tịch Tân Hoàng Minh lý giải vì sao dự án đền bù 1 tỷ đồng/m2 sát hồ Gươm bị bỏ hoang

08/06/2020 02:27

(57)


Phát biểu tại Tại tọa đàm “Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới” diễn ra cuối tuần qua, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã lý giải vì sao dự án đền bù 1 tỷ đồng/m2 sát hồ Gươm của doanh nghiệp này bị bỏ hoang nhiều năm qua.

Phát biểu tại Tọa đàm nói trên, ông Đỗ Anh Dũng tỏ ra xúc động khi nhắc tới dự án Tân Hoàng Minh từng theo đuổi nhiều năm tại địa chỉ 22 – 24 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là dự án tốn rất nhiều thời gian, công sức, tâm huyết của ông chủ Tập đoàn Tân Hoàng Minh nhưng cuối cùng vẫn chưa thể triển khai, bị bỏ hoang nhiều năm.

“293 m2 đất của dân trong phạm vi dự án, chúng tôi phải trả 263 tỷ đồng, tức là gần 1 tỷ đồng/m2 và rồi cuối cùng vẫn phải tổ chức cưỡng chế. Chỉ một thủ tục là quyết định giao đất cũng mất gần 4 năm, từ 2011 tới 2015. Tiếp đó, chúng tôi phải nộp hồ sơ làm thủ tục tính tiền sử dụng đất nhưng đến bây giờ còn chưa tính xong. Tính tổng cộng từ năm 2007 theo đuổi dự án tới nay, chúng tôi tốn mất 14 năm giải phóng mặt bằng và làm thủ tục mà chưa xong” – ông Đỗ Anh Dũng kể lại hành trình gian nan tại dự án 22 – 24 Hàng Bài.

“Người ta cứ thắc mắc sao Tân Hoàng Minh không xây dựng ở 22 – 24 Hàng Bài? Đó là vì có ai cho chúng tôi xây đâu, có giấy phép đâu. Giấy phép phụ thuộc vào việc tính tiền đất, không nộp tiền đất cho Nhà nước thì làm sao có giấy phép được. Vị trí vàng, đất có đẹp tới đâu mà để 10-15 năm thì cũng lỗ vốn” – ông Đỗ Anh Dũng chia sẻ.

Tọa lạc tại địa chỉ với 2 mặt tiền 22 – 24 Hàng Bài và 25 – 27 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, dự án chỉ nằm cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 100 mét, có diện tích đất khoảng 4.080m2, trong đó diện tích xây dựng 2.900m2.

Đây là một trong những khu đất có giá đền bù (theo thỏa thuận) được ghi nhận cao nhất Hà Nội cho tới thời điểm này. Theo đó, tại một số vị trí, mức đền bù theo thỏa thuận giữa người dân và chủ đầu tư lên đến gần 1 tỷ đồng/m2, được cho là cao gấp 2,5 lần giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường lúc đó, từng gây xôn xao dư luận thời điểm cuối năm 2010.

Ngoài vấn đề pháp lý, thủ tục hành chính, cũng tại Tọa đàm, ông Đỗ Anh Dũng nêu quan điểm bất động sản Việt Nam thực ra là chưa phát triển hết khả năng. “Nếu không vướng mắc pháp lý thì tiến độ xây dựng tiến độ dự án sẽ nhanh hơn rất nhiều. Tôi muốn thủ tục hành chính ngắn gọn lại trong vòng một năm thôi. Chính sách của Chính phủ phải cập nhật với thị trường từng năm để có thể điều chỉnh kịp thời” – ông Dũng nói.

Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng kiến nghị cần ổn định chính sách tín dụng của ngân hàng đối với các dự án bất động sản, không nên thay đổi xoành xoạch. Cảnh báo việc các doanh nghiệp bất động sản thành lập tràn lan như hiện nay rất nguy hiểm, ông Dũng nêu ý kiến: “Nếu không có nhiều đất, không có chiến lược định vị thương hiệu thì không nên làm, vì làm rồi thì cũng gặp rất nhiều khó khăn”.

Theo An Ninh Thủ Đô

Đọc thêm

lên đầu trang