CEO David Dương với khao khát của mình

09/07/2019 03:53

(43)


Trở về từ chuyến đi châu Âu khảo sát công nghệ xử lý rác, ông David Dương – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS) – đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện khá thú vị…

Ông David Dương – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS)

Được biết VWS đã mời các chuyên gia tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ các công nghệ xử lý rác phù hợp nhất rồi sau đó mới làm dự án trình lên UBND TP.HCM cách đây hơn một năm. Vậy tại sao bây giờ ông và các chuyên gia vẫn tiếp tục đi nhiều nước ở châu Âu để khảo sát tìm hiểu thêm về công nghệ xử lý rác, thưa ông?

Ông David Dương: Vì tôi là một người rất cầu toàn nên muốn đi cùng các chuyên gia sang châu Âu tìm hiểu kỹ thêm về công nghệ xử lý rác của nhiều nước để đánh giá lần cuối những lựa chọn công nghệ của mình đã trình bày trong dự án đã gửi cho UBND TP.HCM. Thông qua chuyến đi này, tôi cũng muốn UBND thành phố hiểu hơn về tâm huyết của tôi dành cho dự án này. Mặc dù cho đến nay, vì những lý do khách quan, chủ quan gì đó mà dự án vẫn chưa được phê duyệt. Khi chính quyền chưa phê duyệt dự án mà tôi cũng nản mà buông nó thì đó không phải là phong cách của tôi. Hơn nữa, dự án đó là khao khát cháy ruột cháy gan của tôi. Tôi muốn dành cho TP.HCM nói riêng, dành cho quê hương của mình những điều tốt đẹp nhất. Chính phủ cũng cổ vũ chúng tôi sớm hoàn thành dự án này để phục vụ lợi ích của cộng đồng.

Trong chuyến đi đó, ông đã đến những đâu và qua tìm hiểu các công nghệ xử lý rác ở những nơi đó ông có nghĩ cần phải bổ sung gì thêm vào dự án đã trình thành phố?

Tôi đến 4 nước Bắc Âu. Đó là những nước có công nghệ xử lý rác thải rất hiện đại. Tôi tìm hiểu rất kỹ và cũng đã đặt những câu hỏi “rất khó” với những chuyên gia để đánh giá một cách toàn diện về công nghệ xử lý rác mà VWS đã trình lên thành phố. Và câu trả lời của tôi là những công nghệ đã được các chuyên gia chọn lựa trong dự án đó là hoàn toàn hợp lý với các thành phần rác của Việt Nam. Cũng qua chuyến đi này, tôi biết thêm những công nghệ xử lý rác thải mà có người nói chỉ đầu tư 100 triệu USD đã có là hết sức vô lý. Nếu có đó chỉ là công nghệ nhái mà thôi.

Ông nói công nghệ đã chọn lựa là hoàn toàn hợp lý. Vậy công nghệ đó như thế nào?

Cái này tôi đã nói nhiều lần rồi. Các chuyên gia của VWS đã tiến hành nghiên cứu tất cả công nghệ xử lý rác ở châu Âu, châu Á và Mỹ… rồi chọn ra từng công nghệ tốt nhất cho từng khâu để ráp thành nhà máy trong tương lai. Nhà máy này có thể xử lý hiệu quả tất cả các thành phần rác phức tạp mà chúng ta đang có theo công nghệ đốt, đồng thời sản xuất được phân hữu cơ dạng lỏng, sản xuất điện, khí nén lỏng CNG… Công nghệ mới này sẽ đem lại rất nhiều lợi ích. Ví dụ điện cung cấp cho sinh hoạt; phân vi sinh bồi bổ cho cây cối, hoa màu góp phần cho nền nông nghiệp sạch và bền vững; khí nén lỏng CNG dùng cho các loại xe chạy bằng năng lượng sạch không xả khói, chất thải độc hại…

Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước

Gần đây TP.HCM đã có quy định buộc các hộ phải phân loại rác thải. Tuy nhiên, cho đến nay việc này vẫn chưa chuyển biến một cách hiệu quả. Với kinh nghiệm thu gom và xử lý rác thải tại Mỹ, ông có thể “hiến kế” gì để những quy định về việc phân loại rác thải sẽ trở nên thực tế?

Ở Mỹ, người dân đã ý thức trong việc phân loại rác, nhưng chính quyền vẫn tuyên truyền, hướng dẫn rất cụ thể về việc phân loại rác tại nguồn. Các hộ gia đình cũng được trang bị các thùng chứa rác khác nhau để vứt loại rác hữu cơ hoặc vô cơ… vào đó. Còn ở Việt Nam, người dân chưa ý thức nhiều về việc phải lọc lựa rác. Hầu hết người dân đều bỏ tất cả các loại rác vào một thùng. Nếu ai có ý thức lọc lựa bỏ vô bao ni lông rồi thì khi xe lấy rác đến lấy họ cũng đổ lẫn lên xe thì cũng vô ích. Vậy cho nên phải nhìn ra vấn đề này mới hiện thực hóa được quy định phân loại rác. Cụ thể là cần tuyên truyền đi tuyên truyền lại, trang bị các loại thùng rác khác nhau để mọi người bỏ đúng loại rác vào thùng và các xe đi lấy rác cũng phải có các ô riêng để chứa từng loại rác.

Cách đây hơn 1 tháng, chúng tôi có tham dự buổi làm việc của HĐND TP.HCM với VWS về một số vấn đề, trong đó có vấn đề liên quan đến con đường 1,5 km “đau khổ” dẫn vào VWS và dự án cây xanh cách ly. Buổi làm việc cho thấy lãnh đạo HĐND thành phố rất cầu thị. Vậy cho đến nay có chuyển biến gì chưa, thưa ông?

Về con đường mà nhà báo nói là “đau khổ” đó tôi cũng đau khổ theo luôn mà chưa biết bao giờ mới giải quyết được đây. Xe chở rác vào con đường đầy ổ gà, ổ voi đó thì không tránh khỏi rơi rớt chất thải, nước bẩn xuống đường. Lâu ngày nó tích tụ lại hôi thối. Đoạn đường 1,5 km không có ai quản lý nên không hề được duy tu bảo dưỡng, quét dọn, tưới rửa. Dân không hiểu được cứ nghĩ là trách nhiệm này thuộc về chúng tôi. Còn dự án cây xanh cách ly thành phố đã có từ hơn 10 năm nay rồi, nhưng giờ vẫn chưa thấy triển khai. Trước hết, tôi mong thành phố có quyết sách rõ ràng và nhanh chóng chí ít là con đường 1,5 km đó để tôi và người dân quanh vùng bớt phải “đau khổ”.

Theo Báo Thanh Niên

Đọc thêm

lên đầu trang