spot_img
HomeTài nguyên - Môi trườngBảo vệ môi trườngBờ biển Hội An sạt lở nghiêm trọng sau mỗi mùa mưa bão

Bờ biển Hội An sạt lở nghiêm trọng sau mỗi mùa mưa bão

Trước khi tỉnh triển khai các giải pháp tổng thể về lâu dài để cứu bờ biển Hội An, TP. Hội An phải giữ cho được bờ biển.

Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đối với chính quyền thành phố Hội An khi bờ biển tiếp tục sạt lở nghiêm trọng trong cơn bão số 13 vừa qua.

Sóng biển gây xói lở tại chân các nhà hàng khu vực bãi tắm An Bàng

Bờ biển Hội An có chiều dài khoảng 8.000 m, kéo dài từ bờ biển Cửa Đại đến giáp với phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Dọc bờ biển này có hàng trăm doanh nghiệp, hộ dân đầu tư kinh doanh khu du lịch, khách sạn, nhà hàng, phần còn lại là công viên công cộng. Có thể nói, khu vực bờ biển Hội An là một mảnh ghép không thể thiếu trong chuỗi hoạt động tham quan, du lịch tại thành phố Hội An.

Tuy nhiên, 10 năm qua, khu vực bờ biển Hội An bị sạt lở nghiêm trọng, có nơi lấn sâu vào đất liền hàng trăm mét; những khoảng rừng phi lao, nhiều công trình hạ tầng, khu du lịch, nhà hàng ven biển bị sóng đánh sạt, kéo xuống biển.

Tình trạng xói lở bờ biển Hội An xảy ra ngày càng khốc liệt trong những năm gần đây, làm mất hẳn nhiều bãi tắm, đứt gãy bờ biển, phá hủy nhiều công trình du lịch, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, du lịch tại địa phương. Biển xâm thực đang có xu hướng gia tăng và lan rộng ra khu vực phía bắc biển Hội An sau mỗi mùa mưa bão.

Thời gian qua, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp công trình như kè bê tông cốt thép mái nghiêng, kè mềm túi địa kỹ thuật, kè bằng túi Geotube. Các doanh nghiệp du lịch đã tự cứu mình bằng cách bỏ hàng chục tỷ đồng xây kè cứng, kè mềm (đá hộc, mỏ hàn và bao tải cát) ở dọc bờ biển Hội An nhằm hạn chế tác động của biển xâm thực, nhưng chỉ sau một thời gian, các công trình này cũng đã bị triều cường phá vỡ, cuốn trôi xuống biển.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, các dự án được triển khai không đồng bộ, kết cấu xây dựng khác nhau nên hiệu quả không cao, gia cố chống sạt lở khu vực này nhưng lại gây sạt lở nghiêm trọng đoạn bờ biển khác, thiếu mỹ quan và không tạo được bãi bồi phục vụ cho hoạt động du lịch-dịch vụ.

Một số khu vực sạt lở dốc đứng, ảnh hưởng đến tài sản của các khách sạn, cơ sở kinh doanh, hàng quán ven biển

Trong khi chờ đợi một dự án tổng thể, đồng bộ được triển khai để bảo vệ bờ biển Hội An thì ngay trong cơn bão số 13 vừa qua, sóng biển tiếp tục gây xói lở, sụt lún nghiêm trọng tại chân các nhà hàng khu vực bãi tắm An Bàng.

Từ một bãi tắm đẹp thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, chỉ sau cơn bão này, biển An Bàng trở nên hoang tàn và đổ nát, hàng loạt công trình, cây xanh sụp xuống biển. Cả một vệt dài bãi biển ngổn ngang đất đá, rác… khiến ai chứng kiến cũng xót xa.

Trước thực trạng trên, chiều ngày 19/11, UBND TP. Hội An tổ chức hội nghị tiếp tục trưng cầu ý kiến của các nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp về công tác kè, chống sạt lở bờ biển Hội An.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An khẳng định các giải pháp chống sạt lở thực hiện trong thời gian qua đã mang lại kết quả nhất định, tuy nhiên, việc đầu tư thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất dẫn đến tình trạng đứt gãy đường bờ biển, gây ra sạt lở lan dần ra phía bắc, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và hoạt động của người dân và doanh nghiệp.

Tại hội nghị này, nhiều ý kiến đề xuất Trung ương, tỉnh, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu một cách tổng thể, đánh giá đầy đủ về dòng sông, cửa biển, bờ biển của Hội An, kể cả việc triển khai hệ thống quan trắc thường xuyên về thay đổi bờ biển để đưa ra giải pháp mang tính bền vững, lâu dài theo hướng thuận thiên.

Bãi tắm An Bàng trở nên hoang tàn, đổ nát chỉ sau đợt triều cường trong cơn bão số 13

GS.TS. Nguyễn Thế Hùng, Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho rằng cần triển khai giải pháp chỉnh trị đồng bộ cửa biển, bờ biển theo hướng khép kín, chỗ nào gia cố chưa đủ độ bền vững thì tiến hành gia cố lại để sóng biển tấn công bất kỳ hướng nào cũng không bị ảnh hưởng.

“Trong khi chờ dự án tổng thể, điều kiện và nguồn lực để triển khai, trước mắt Hội An sẽ huy động nguồn lực tiếp tục triển khai hệ thống kè cứng ở một số khu vực trọng điểm để giữ bờ biển. Chúng ta phải giữ cho bằng được bờ biển Hội An. Nhà nước, người dân và doanh nghiệp phải cùng thống nhất, cùng đóng góp để làm kè bảo đảm mỹ quan, bền vững và chi phí hợp lý”, Chủ tịch UBND thành phố Hội An nói.

Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, để cứu bờ biển Hội An, tỉnh đã triển khai thi công hệ thống đê ngầm cao 1,5 m, dài 250 m để chắn sóng từ xa. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng tuyến đê ngầm từ xa, dài khoảng 1 km nối với đoạn đê trên để bảo vệ khẩn cấp bờ biển Hội An. Dự án này có kinh phí 300 tỷ đồng, dự kiến quý I năm 2021 sẽ thi công.

Khi đê ngầm được triển khai, tỉnh sẽ cho nạo vét, lấy nguồn cát ở Cửa Đại và bãi cát nổi ở cửa sông để bổ sung khu vực thiếu hụt cát, tạo bãi cho bờ biển Hội An.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng đang xúc tiến thêm một dự án kè khác nhằm chỉnh trị dòng chảy của sông (khoảng hơn 1.000 tỷ đồng) từ khu vực kè Cửa Đại về cửa sông Thu Bồn. Nếu thuận lợi, dự án này có thể triển khai từ năm 2023.

“Chủ trương chung của tỉnh là phải triển khai phương án chống sạt lở bờ biển một cách tổng thể, đồng bộ và rất cần sự phối hợp, chung tay của cộng đồng người dân và doanh nghiệp góp sức để cùng bảo vệ, cứu bờ biển Hội An”, ông Hồ Quang Bửu bày tỏ.

Năm 2016, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp triển khai dự án “Nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển một cách bền vững”.

Kết quả nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An cho thấy nguyên nhân chính là do thiếu hụt lượng bùn cát trên thượng lưu sông Vu Gia-Thu Bồn, quá nửa lượng bùn cát bị giữ lại ở lòng hồ thủy điện. Bên cạnh đó, hiện tượng khai thác cát gia tăng mạnh ở sông Thu Bồn, việc xây dựng các công trình ngay sát bờ biển, ảnh hưởng của việc xây dựng cầu Cửa Đại làm chệch dòng chảy và đẩy lượng bùn cát về phía Nam, giảm về phía Bắc bãi biển cũng là gây nên hiện tượng xói lở thời gian qua.

Trên cơ sở nghiên cứu và thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đề xuất triển khai giải pháp nuôi bãi biển bao phủ từ phạm vi Cửa Đại đến Boutique Hoi An resort, với chiều dài khoảng 6.500 m. Việc nuôi bãi được triển khai bởi một hệ thống đê ngầm cao 1,5 m, cách bờ biển khoảng 200 m và có thể biến đổi tùy theo độ sâu của đáy biển. Tại chân phía Bắc của đê ngầm, thiết lập một lớp lọc gồm đá học và sỏi để bảo vệ chân đê ngầm khỏi bị xói cục bộ xung quanh chân. Nuôi bãi sẽ thực hiện theo phân đoạn, tùy theo mức đội thi công của nhà thầu. Hệ thống đê ngầm này sẽ giúp giảm sóng, năng lượng sóng và giảm mạnh quá trình sói mòn.

Theo Cổng thông tin Chính phủ

spot_img
spot_img
spot_img
spot_img

Đăng ký trở thành Hội viên

Tham gia Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh và cùng xây dựng môi trường xanh hơn!

Tham gia sự kiện

analytica Vietnam 2025 - Triển lãm quốc tế chuyên ngành lớn nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực Phân tích, Thí nghiệm, Công nghệ Sinh học và Chẩn đoán

Bài liên quan:

HANE bàn giao 50.000 cây xanh năm 2025 cho vùng 4 Hải quân và quân dân huyện đảo Trường Sa

Hưởng ứng Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021–2025” và đồng hành cùng Chương trình “Một triệu cây vì biển đảo Tổ quốc, vì quê hương Việt Nam xanh” do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và...

Trồng rừng chung tay hàn gắn lá chắn bảo vệ trái đất

Đồng Nai, ngày 07/06/2025 – Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia khởi động mùa trồng rừng Đồng Nai với sự tham gia của hơn 120 bạn trẻ, đại diện doanh nghiệp và gia đình yêu rừng cùng chung...

DAT Group với khát vọng kiến tạo hệ sinh thái giá trị cho mục tiêu phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội

Ngày 6/6/2025, tại TP.HCM, Công ty Cổ phần Tập đoàn DAT (DAT Group) chính thức gia nhập Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP.HCM (HANE) trong chương trình “Chuyển động Xanh – Thăm doanh nghiệp - Kết...

Hoa hậu môi trường Nguyễn Thanh Hà lan tỏa thông điệp xanh từ nét vẽ trẻ thơ “Thành phố xanh – Đẹp như trong...

Cuộc thi vẽ tranh “Thành phố xanh – Đẹp như trong tranh”, khởi xướng bởi Hoa hậu Môi trường Thế giới 2023 Nguyễn Thanh Hà cùng Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á TP HCM, Tạp chí...

Triển lãm Quốc tế Nông nghiệp, Phân bón và Chăn nuôi 2025: Cơ hội kết nối và chuyển đổi xanh lĩnh vực nông nghiệp

Sáng ngày 28/5/2025, tại Khách sạn Kim Đô – Royal Hotel Saigon, hội nghị giới thiệu chuỗi triển lãm Agri – AgroChemEx – Livestock Vietnam 2025 và Agri – Livestock - Aquafisheries Cambodia 2025 đã diễn ra thành công...

ĐIỆN QUANG KÝ KẾT HỢP TÁC CÙNG ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP.HCM: GẮN KẾT TRI THỨC – THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Ngày 24/5/2025, tại lễ ra mắt Chương trình “Nghị quyết số 57-NQ/TW: Từ tầm nhìn đến thực thi Mô hình hợp tác Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp” do Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) tổ chức,...
spot_img
spot_img