Hiện nay, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến ngày 23/11, vị trí tâm bão nằm ngay trên đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) với sức gió giật trên cấp 12, biển động dữ dội.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 4h ngày 22/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 118,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 400km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 4h ngày 23/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,3 độ Vĩ Bắc; 114,2 độ Kinh Đông, ngay trên đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa).
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên ở vùng biển Đông Nam Biển Đông có mưa, từ sáng sớm nay gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,5 đến 13,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 4h ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 190km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10km.
Đến 4h ngày 25/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, sự tương tác của không khí lạnh và bão khiến cho diễn biến đường đi và cường độ của bão số 9 rất phức tạp.
Theo dự báo, bão số 9 và không khí lạnh sẽ tương tác với nhau gây mưa to đến rất to ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận, khu vực Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, phần phía Bắc của các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Đợt mưa này sẽ bắt đầu từ ngày 22/11, khi không khí lạnh ảnh hưởng đến Trung Bộ, sau đó tương tác của không khí lạnh và bão sẽ bắt đầu gây mưa to đến rất to ở miền Trung từ ngày 23/11.
Mưa lớn được dự báo nhiều khả năng kéo dài liên tục từ 23-28/11. Trong đó, trọng tâm mưa lớn từ các tỉnh Quảng Trị đến Bình Thuận, với tổng lượng mưa có thể lên tới 300-500mm.
Khu vực Khánh Hòa cũng là vùng trọng tâm mưa, trong đó mưa sẽ xảy ra dồn dập trong hai ngày 23-24/11, với tổng lượng mưa mỗi ngày có thể lên tới 200-300mm.
Tổng hợp