Các nhà khoa học cảnh báo rác thải điện tử được bóc tách thủ công tại những vựa thu mua phế liệu nằm xen cài trong khu dân cư ở TP.HCM là điều hết sức nguy hại.
Cảnh báo trên được đưa ra bởi cấu kiện của hàng điện tử có kim loại nặng, bán kim loại và nhiều hợp chất hóa học khác như chì, thủy ngân, đồng, niken, crom… Khi các sản phẩm này hết thời hạn sử dụng lẽ ra phải mang đến nơi thu gom chất thải nguy hại thì lại được người mua ve chai gom hết để về bóc tách. Hậu quả là hóa chất độc hại có cơ hội ra môi trường, gây hại cho sức khỏe cộng đồng.
Đùa với sức khỏe và môi trường
Hình ảnh nhân công ở các cơ sở thu mua phế liệu vô tư bóc tách rác thải điện tử độc hại để phân loại bán kiếm lời ai cũng dễ dàng gặp nếu đi một vòng các quận, huyện vùng ven TP.
Đầu tiên phải kể đến là huyện Hóc Môn. Ghé một vựa phế liệu thuộc xã Xuân Thới Thượng, đập vào mắt chúng tôi là đống rác thải điện tử nguy hại với hàng trăm bo mạch điện tử, ống mực in, tivi, bàn phím, điện thoại bàn… Gặp chúng tôi, bà L. – chủ vựa thu mua phế liệu này – cho hay bà và nhân công phân loại rác điện tử bằng cách dùng búa đập để tách nhựa và các bo mạch điện tử ra một bên. Theo bà L., bà mua mỗi tivi cũ với giá chỉ 20.000 đồng, đầu máy cũ thì 40.000 đồng/cái. “Nhân công sẽ tháo gỡ từng phần để lấy nhựa, đồng, còn lại những thứ không bán được như bóng đèn tivi, kính… để qua một bên, vài tháng sẽ có xe ép rác đến lấy mang về Củ Chi xử lý. Nghề này chịu khó thì cũng sống được” – bà L. chia sẻ.
Chúng tôi hỏi có biết bóc tách các thiết bị điện tử bằng cách dùng búa đập sẽ làm tăng nguy cơ phát tán hóa chất độc hại ra môi trường không thì bà L. đáp: “Tôi mua và phân loại như thế nhiều năm nay rồi có thấy ai nói gì đâu?”. Miệng nói, còn tay bà L. vẫn không ngừng dùng búa đập chiếc tivi để phân loại phế liệu. Qua ghi nhận, tình trạng “điếc không sợ súng” như bà L. không phải cá biệt, mà đang diễn ra tại hàng chục vựa phế liệu ở huyện Hóc Môn. Ở mỗi vựa chúng tôi đến, nhân công cứ thế đập nát những món đồ điện tử đã cũ để lấy nhựa, đồng, bất chấp các hóa chất độc hại như thủy ngân có thể len lỏi ra môi trường.
Dọc đường Thanh Niên (xã Phạm Văn Hai) và đường Trần Văn Giàu (xã Lê Minh Xuân) thuộc huyện Bình Chánh cũng là đất sống của hàng trăm cơ sở thu mua phế liệu từ các quận nội thành dạt về. Một chủ cơ sở trên đường Thanh Niên cho biết tuy không mua thường xuyên tivi, đồ điện tử cũ nhưng thỉnh thoảng cơ sở này vẫn tiếp nhận rác điện tử của mối quen. Mỗi khi tiếp nhận, nhân công tự tháo ra để lấy đồng, nhựa, những thứ không bán được cho vào sọt rác để người gom rác mang ra bãi. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại huyện Củ Chi, quận 12 và Bình Tân. Hầu hết những cơ sở thu mua phế liệu chúng tôi ghé hỏi đều nhận được câu trả lời: Không biết rác điện tử nguy hại như thế nào nên vẫn vô tư tận thu những vật liệu tái chế được, còn lại vứt vào sọt rác hoặc dồn đống cho xe rác đến lấy mang đi đâu thì không ai rõ.
Phải xử lý để răn đe
Bà Hồ Ngọc Hiếu, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh, cho biết tại các văn phòng mỗi ấp đều có 1 thùng lưu chứa chất thải nguy hại, kể cả chất thải công nghiệp để người dân mang đến bỏ vào. Riêng năm 2019, toàn huyện thu về hơn 1,3 tấn rác thải điện tử. Theo bà Hiếu, nếu địa phương tuyên truyền cho hộ dân hiểu rõ, có điểm thu gom thuận lợi thì chắc chắn sẽ hạn chế rác điện tử ra các tiệm ve chai, phế liệu.
Địa phương đã cố gắng nhưng theo những gì chúng tôi ghi nhận ở trên, rõ ràng vẫn còn rất nhiều người thiếu ý thức. Vậy những hành vi trên của các vựa thu mua phế liệu bị xử lý ra sao?
Theo GS-TSKH Lê Huy Bá, Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường thuộc Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, trong cấu kiện của pin, bình ắc-quy, bóng đèn tivi, màn hình LED, điện thoại thông minh, iPad… có nhiều kim loại nặng, phi kim loại, hóa chất như chì, niken, crom, đồng, thủy ngân, thậm chí nguyên tử phóng xạ… Khi hết vòng đời sử dụng, các sản phẩm này phải được nhà sản xuất thu hồi hoặc bỏ đúng nơi, đúng chỗ để các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý theo quy trình xử lý chất thải độc hại; không thể tùy tiện thải ra môi trường, phơi sương phơi nắng vì trong điều kiện khí hậu nắng nóng, các hóa chất độc hại dễ dàng phát tán ra môi trường, gây hại cho sức khỏe người dân.
Trước thực trạng trên, ông Lê Huy Bá đề nghị trước mắt, chính quyền địa phương nên tuyên truyền để người dân nắm rõ tác hại, quy trình xử lý rác điện tử tại các điểm thu mua phế liệu, hộ gia đình. Trường hợp nào vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định đã ban hành. Bởi Luật Bảo vệ môi trường và văn bản hướng dẫn thi hành tại điều 67 quy định các cơ sở kinh doanh, sản xuất, dịch vụ có trách nhiệm thu hồi sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ như: pin, ắc-quy, thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp, dầu nhớt, phương tiện giao thông… Ngoài ra, điều 71 cũng nêu rõ: Cá nhân, tổ chức có hoạt động phát sinh chất thải nguy hại phải phân loại, thu gom hoặc hợp đồng chuyển giao cho bên tiếp nhận thu gom chất thải nguy hại. Nếu vi phạm các quy định này sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 15 triệu đồng tùy mức độ gây ảnh hưởng môi trường.
Đến tận nhà thu gom miễn phí
Bà Mai Thị Thu Hằng, đại diện chương trình “Việt Nam tái chế” tại Việt Nam, cho biết tại TP.HCM, chương trình hiện có 5 điểm đặt thùng tiếp nhận rác điện tử (quận 2, 3, 4, Phú Nhuận và Bình Thạnh). Ngoài 5 điểm cố định này, từ năm 2018, chương trình tổ chức đến tận hộ dân tại các quận nội thành để thu gom miễn phí rác thải điện tử với điều kiện hộ gia đình có ít nhất 1 thiết bị lớn (tivi, màn hình, máy vi tính, máy fax…) hoặc 10 thiết bị điện tử nhỏ. |