Dựa trên sự tự nguyện của người dân, việc kiểm tra khí thải xe máy sẽ thực hiện tại 8 trạm bảo hành ở quận 1, 3 và Bình Thạnh từ tháng 2 đến 11/2020.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM phối hợp Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam thí điểm kiểm soát khí thải môtô, xe máy tại 8 trung tâm này. Cơ quan đăng kiểm sẽ sử dụng các thiết bị kỹ thuật lấy mẫu khí thải. Từ các chỉ số thu được, Sở sẽ có những đánh giá khoa học về mức độ phát thải khí thải của xe.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, việc kiểm tra khí thải xe máy dựa trên sự tự nguyện của người dân với mục đích khuyến khích, tuyên truyền. Qua đó giúp người dân nhận thức vấn đề ảnh hưởng của khí thải xe máy với môi trường.
“Chúng tôi sẽ chuẩn bị các số liệu, dữ liệu về tình trạng phát thải khí thải để có những đánh giá tình trạng chung của xe, báo cáo UBND thành phố xin cấp thẩm quyền có lộ trình kiểm soát khí thải riêng trên địa bàn thành phố”, ông Lâm nói.
Không chỉ xe máy, khí thải từ ôtô, xe tải, taxi, buýt… cũng được kiểm soát chặt chẽ. Hiện, xe buýt đã được chuyển đổi từ xe có động cơ diesel thành CNG, các xe mới phải đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4.
Từ năm 2018, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xin thí điểm làm đề án riêng cho thành phố về kiểm soát phát thải xe máy. Bộ giao thông Vận tải bày tỏ quan điểm ủng hộ nhưng hiện còn vướng về pháp lý, phải chờ sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.
TP.HCM hiện có gần 7,9 triệu phương tiện bao gồm hơn 730.000 ôtô và 7,15 triệu xe máy (chiếm khoảng 95%). Số lượng xe máy tiêu thụ 50% xăng (không tính diesel) nhưng thải ra cỡ 94% khí HC (hydrocacbon), 87% khí CO (cacbon monoxit), 57% khí NOx (oxit nitơ) và 33% bụi mịn PM1O trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.
Theo Vnexpress