Nhằm mục đích lan tỏa những tác phẩm văn thơ yêu nước của Chí sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải đến đông đảo công chúng, nhất là với thế hệ trẻ, ngày 2/11 tại tại Cung Văn Hóa Lao động TP. Hồ Chí Minh (55B Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, quận 1) sẽ diễn ra Chương trình thơ – nhạc – kịch với chủ đề “Trung hiếu lưỡng toàn”.
Chương trình được tổ chức bằng tâm nguyện của Nữ sĩ Lan Hinh, người con gái của Á Nam Trần Tuấn Khải và Khoa Ngữ Văn (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh) đồng hành tổ chức.
Thông qua các thể loại biểu diễn độc tấu đàn tranh, ca trù, ca Huế, kịch, xẩm, hát văn những tác phẩm nổi tiếng như Anh Khóa, Non sông gánh nặng, Hỡi cô bán nước, Gánh nước đêm….sẽ được sống lại qua tài năng, nhiêt huyết của những Nghệ sĩ Thục An, Nghệ sĩ Đức Tâm, Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan…
Á Nam Trần Tuấn Khải là nhà thơ yêu nước, sinh năm 1895, quê ở Quang Xán, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông là hậu duệ đời thứ 28 của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Duyên nợ Phù sinh; Bút quan hoài; Tiễn chân anh Khóa; Gương bể dâu; Mừng anh Khóa về…
Ông cũng là tác giả của những vần thơ giản dị, gần gũi, thắm nghĩa tình, như: Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương/ Nhớ ai dãi nắng dầm sương/ Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.
Trong sự nghiệp sáng tác, Trần Tuấn Khải có nhiều bút danh, nhưng thường dùng là Á Nam. Ngoài viết truyện, làm thơ, soạn kịch, dịch sách, dạy học, ông còn tham gia hoạt động cách mạng, Á Nam Trần Tuấn Khải được xem là một trong số hai nhà thơ tiêu biểu nhất trong lịch sử thơ ca chữ quốc ngữ của Việt Nam đầu thế kỷ 20. Năm 1985, tên của ông được sử dụng để đặt tên cho một con đường tại quận 5, TP.Hồ Chí Minh.
Lượng thơ Trần Tuấn Khải sáng tác tuy không đồ sộ (khoảng 300 bài), nhưng có lẽ, ông là người dẫn đầu về phương diện hình thức thể hiện với nhiều cách tân độc đáo, mới lạ…Nhưng thật đáng tiếc, những tác phẩm của Trần Tuấn Khải phần vì bị thực dân Pháp tịch thu, phần vì qua nhiều biến cố đã bị thất lạc.
Gần 20 năm nay người con gái của ông là Nữ sĩ Lan Hinh đang dày công tìm kiếm, sưu tầm, lưu truyền bằng nhiều hoạt động ý nghĩa như xây nhà Lưu niệm đường Á Nam Trần Tuấn Khải (ở quận Thủ Đức), tổ chức sinh hoạt văn thơ định kỳ, trao học bổng Á Nam Trần Tuấn Khải….
Lê Mạnh/ Báo Dân Sinh