Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 và Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 là 2 dự án nguồn điện ở miền Nam dự kiến được đưa vào vận hành trước năm 2023 . Tuy nhiên, kết quả kiểm tra thực địa của Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực cho thấy, các dự án này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có liên quan đến năng lực của các nhà thầu.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 do Tập đoàn Dầu khí (PVN) làm chủ đầu tư. Theo báo cáo tiến độ cập nhật tới hết tháng 7/2019 (tháng thứ 54 của tiến độ hợp đồng EPC), khối lượng hoàn thành công việc ước tính đạt khoảng 77,6% so với kế hoạch.
Tuy nhiên, nhà thầu Power Machine (PM) đã có thông báo chấm dứt hợp đồng từ ngày 22/2/2019. Sau đó, nhà thầu này đã dừng các hoạt động tại công trường như: không kiểm tra nghiệm thu, giám sát các công việc xây dựng và lắp đặt, dừng ký biên bản…
Sau nhiều lần đàm phán, PM đưa ra một số đề xuất và điều kiện để thực hiện tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng. Theo đánh giá, các đề xuất của PM khó khả thi do không phù hợp với các quy định của hợp đồng EPC (tăng giá trị hợp đồng EPC thêm khoảng 733 triệu USD) và không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, tại thời điểm tháng 8/2019, tiến độ Dự án đạt khoảng 76,4%, chậm 22,77% so với tiến độ trong hợp đồng EPC đã ký. Trong đó, công tác thiết kế đạt khoảng 98,68%, công tác mua sắm đạt 96,51%, công tác thi công đạt 73,92%. Các hạng mục thiết bị công nghệ phụ trợ mặc dù vẫn được triển khai nhưng đều chậm hơn so với kế hoạch, đặc biệt là phần xây dựng.
Theo đánh giá của Đoàn công tác, nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm tiến độ tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 xuất phát từ năng lực tổng thầu EPC (liên danh giữa PM và Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam – PTSC). Cụ thể, PTSC thiếu kinh nghiệm điều hành, PM (của Nga) bị Mỹ cấm vận. Ngoài ra, Lilama thiếu kinh phí thực hiện, các hợp đồng thầu phụ của PM tạm dừng (không được thanh toán do cấm vận của Mỹ), tổng mức đầu tư thấp, định mức đơn giá nhiều hạng mục chưa được phê duyệt, không được tiếp tục vay vốn. Dự án sẽ mất rất nhiều thời gian để khởi động lại và khó có thể xác định được tiến độ hoàn thành nhà máy đưa vào phát điện thương mại.
Đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Dự án xuất phát một phần từ khả năng tài chính, thiếu hụt dòng tiền của nhà thầu Lilama và các nhà thầu phụ do cơ chế thanh toán cho phần công việc xây dựng, lắp đặt trong nước (tạm thanh toán 80% theo đơn giá định mức mới của hợp đồng EPC, hạng mục có giá trị thực hiện cao hơn trong biểu giá hợp đồng EPC).
Do có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn cho hệ thống điện trong những năm tới nên Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 cần được tiếp tục triển khai và Dự án Nhà máy Nhiệt điện sông Hậu 1 không thể chậm tiến độ hơn nữa.
Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, Đoàn công tác kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, có ý kiến đối với phương án PVN sử dụng vốn chủ sở hữu vượt 30% giá trị tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh đã trình thẩm định để thanh toán cho các hạng mục công việc đã hoàn thành, tiếp tục triển khai các hạng mục đang thi công dở dang của Dự án đến các điểm dừng kỹ thuật; thực hiện công tác bảo dưỡng, bảo quản, bảo vệ an ninh/an toàn cho vật tư, thiết bị/hạng mục công việc và gia hạn thời gian bảo hiểm rủi ro cho Dự án trong quá trình thi công.
Đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Đoàn công tác đề nghị Chủ đầu tư và nhà thầu huy động lực lượng tập trung việc bảo đảm tiến độ các đường găng của Dự án. Đồng thời, yêu cầu PVN, ban quản lý dự án, tổng thầu Lilama phối hợp, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, tài chính cho các nhà thầu thi công xây dựng, lắp đặt cho các hạng mục quan trọng, thuộc đường găng theo tiến độ của Dự án. Ngoài ra, đề nghị PVN xem xét đề xuất của tổng thầu Lilama về cơ chế thanh toán của hợp đồng EPC, cụ thể là nâng tỷ lệ % thanh toán khối lượng hoàn thành đối với các hạng mục mà đơn giá, định mức đang chờ Bộ Xây dựng thẩm định.
Theo Báo Đấu Thầu