Lấy lý do thi hành Phán quyết trọng tài (PQTT), China Policy Limited (CPL) nhiều lần yêu cầu Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Long An ra lệnh ngăn chặn toàn bộ khu đất dự án với 13 sổ đỏ đứng tên Công ty Hồng Phát (HP). Và Cục THADS tỉnh Long An đã “chiều” theo CPL, làm tê liệt dự án suốt gần 2 năm qua, dẫn đến khiếu nại gay gắt của chủ đầu tư…
PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC TRƯƠNG HÒA BÌNH 2 LẦN CHỈ ĐẠO…
Liên quan đến thi hành án PQTT, Báo CATP đã có nhiều bài phản ánh, chỉ rõ việc Cục THADS tỉnh Long An làm theo yêu cầu của CPL, ra lệnh ngăn chặn, khiến cho dự án “trùm mền” là trái pháp luật.
Ngày 18-9-2017, chấp hành viên Cục THADS tỉnh Long An Võ Văn Xuân ký công văn số 525/CTHA (CV số 525) ngăn chặn 13 sổ đỏ của HP. Ngày 28-11-2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 12705/ VPCP.VI, truyền ý kiến của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: “Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Long An kiểm tra, xem xét, xử lý các nội dung phản ảnh, kiến nghị của Công ty HP liên quan đến quá trình thi hành PQTT ngày 25-4-2013, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 2-2018”.
Bộ Tư pháp cùng các cơ quan chức năng đã vào cuộc, có văn bản báo cáo số 123/BC-BTP ngày 4-6-2018, nêu rõ: Theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật khác có liên quan, việc lập công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (kể cả THADS) không thể thực hiện thay. Không có cơ sở để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản của HP theo điều 71 của Luật THADS.
Ngày 31-8-2018, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 8248/VPCP-V.I, truyền ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: “Đồng ý về nguyên tắc hướng giải quyết của Bộ Tư pháp tại văn bản 123/BC-BTP. Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với VKSND tối cao, UBND tỉnh Long An thực hiện việc thi hành án liên quan đến Công ty HP theo đúng quy định pháp luật… Nếu có tranh chấp về góp vốn và bồi thường thiệt hại trong việc thực hiện thỏa thuận khung giữa 2 công ty, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với VKSND tối cao, UBND tỉnh Long An hướng dẫn công ty khởi kiện tại tòa án nhân dân để giải quyết…”.
Đồng quan điểm với Bộ Tư pháp, Tổng Cục THADS đã chỉ đạo thu hồi CV số 525. Cục THADS tỉnh Long An vừa ban hành văn bản ngày 29-11-2018, chấm dứt hiệu lực đối với CV số 525 thì chấp hành viên Đặng Hoàng Yên bất ngờ ra lệnh ngăn chặn vô thời hạn toàn bộ 13 sổ đỏ của HP bằng quyết định (QĐ) số 07/QĐ-CTHADS ngày 18-12-2018. Bất chấp dư luận lên tiếng, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Long An Bùi Phú Hưng vẫn ký QĐ số 06/QĐ-CTHADS ngày 6-3-2019 “giữ y” QĐ 07 của cấp dưới.
TUNG ĐÒN “DỌA”, ĐỂ… “CHIA” (?!)
Song hành với việc ngăn chặn 13 sổ đỏ, trong đơn đề ngày 9-10-2018 gửi các cơ quan chức năng VN, Giám đốc (GĐ) Chan Chun Man “quan ngại” về các quyền và lợi ích hợp pháp của CPL đang bị xâm phạm do Công ty HP tự ý thực hiện dự án nhưng không gặp phải sự ngăn chặn nào; thậm chí các cơ quan có thẩm quyền ở Long An còn yêu cầu HP tiếp tục thúc đẩy tiến độ thực hiện?
Ông Man “hoài nghi” HP không muốn cùng CPL lập liên doanh mà muốn phát triển dự án một mình hoặc có thể đã bí mật chuyển nhượng cho một bên thứ ba (?!). Từ đó, ông Man đề nghị cơ quan chức năng của VN chỉ đạo UBND tỉnh Long An yêu cầu HP ngay lập tức ngưng thực hiện dự án trên phần diện tích đất giai đoạn I cho đến khi thỏa thuận liên doanh được ký kết. Việc ngăn chặn 13 sổ đỏ tiếp tục duy trì cho đến khi liên doanh được thành lập.
GĐ của Công ty mẹ Chuang’s lẫn công ty con CPL lên tiếng “dọa”, trong trường hợp những yêu cầu và “quan ngại” của CPL không nhận được sự hỗ trợ và giải quyết thỏa đáng, thì Chuang’s và CPL không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xem xét khả năng “khởi kiện” Nhà nước VN theo Hiệp định “bảo hộ đầu tư” giữa VN với UK (Vương quốc Anh) (?).
Tiếp đến, ngày 24-10-2018, ông Tong Kwok Lun xưng là Tổng GĐ của CPL “nhân danh và thay mặt CPL”, ký công văn gửi lãnh đạo tỉnh Long An cùng các sở, ngành liên quan và Tổng cục THADS, tiếp tục yêu cầu HP ngưng triển khai dự án. Ông này đề nghị xem xét để tránh một vụ tranh chấp giữa nhà đầu tư với Nhà nước VN (?!).
Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 1-4-2019 với Cục THADS tỉnh Long An, sau khi yêu cầu HP ngưng ngay dự án, ông Lun bất ngờ đưa ra ý kiến: “CPL sẵn sàng đồng ý việc diện tích đất giai đoạn I sẽ được “chia” cho mỗi bên để tự thực hiện dự án. CPL mong UBND tỉnh Long An và các cơ quan có thẩm quyền đồng ý với phương án này…”.
Đại diện HP phản ứng: Từ vu cáo chủ đầu tư “chiếm đoạt tiền, bán dự án”, ngăn chặn 13 sổ đỏ rồi “dọa kiện Nhà nước VN” của CPL đều nhắm đến đích cuối cùng là “chia đất” dự án! CPL tìm mọi cách để được liên doanh, kể cả khởi kiện chủ đầu tư dẫn đến PQTT tốn tiền tỷ “phí trọng tài”. Nay CPL lại muốn “khai tử” PQTT để “chia đất”.
Càng lạ hơn, yêu cầu “chia đất” và “tách dự án” của CPL được Cục trưởng Bùi Phú Hưng cho ghi hết vào biên bản cuộc họp. Điều này hoàn toàn trái quy định pháp luật, đi ngược với PQTT do chính Cục THADS tỉnh Long An đang tổ chức thi hành.
Theo dõi vụ tranh chấp, luật sư Trần Hải Đức lên tiếng: Hành vi nhiều lần “đe dọa” của đại diện Chuang’s và CPL là không thể chấp nhận được, cần phải được làm rõ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật VN. Đối với Chuang’s, không thể hiện tư cách chủ thể trong “TTK” nên không có tư cách và không đủ điều kiện tham gia trong vụ tranh chấp này để bày tỏ “quan ngại”.
Luật sư Đức nêu quan điểm: Căn cứ vào điều 9 của Hiệp định “Bảo hộ đầu tư VN – UK”, tranh chấp giữa CPL với HP được xác định là “tranh chấp giữa các bên ký kết”, phương thức giải quyết bằng cơ quan Trọng tài quốc tế.
Chính CPL đã khởi kiện và được Trung tâm Trọng tài Quốc tế VN (VIAC) xem xét, giải quyết bằng PQTT đang được Cục THADS tỉnh Long An tổ chức thi hành. Như vậy, tranh chấp này đã được giải quyết bằng phán quyết của VIAC nên việc CPL “dọa” khởi kiện Nhà nước VN dựa vào Hiệp định trên là không đủ điều kiện và không có căn cứ. Hơn nữa, tại văn bản số 123/BC-BTP ngày 4-6-2018 của Bộ Tư pháp xác định CPL cũng không có thẩm quyền khởi kiện.
Trải qua 12 năm có mặt tại VN, hơn ai hết, CPL và Công ty mẹ Chuang’s đã hiểu rõ pháp luật VN về đầu tư, cần tuân thủ và thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật.
Về phía cơ quan chức năng VN, luật sư Đức lưu ý: Thời gian qua, Bộ Tư pháp cùng hàng chục cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đã vào cuộc, phối hợp xử lý vụ tranh chấp. Chính phủ VN rất quan tâm, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã nhiều lần chỉ đạo giải quyết tranh chấp theo đúng quy định của pháp luật VN. Sự tích cực của các cơ quan chức năng rất đáng ghi nhận, tuy nhiên cần phải hết sức thận trọng bởi vụ tranh chấp đã được giải quyết bằng PQTT.
Vấn đề nổi cộm hiện nay chính là khoản ngoại tệ 15,6 triệu USD mà CPL đã chuyển vào VN lộ rõ nhiều dấu hiệu trái quy định pháp luật. Công luận đang quan tâm và mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xác minh, điều tra làm rõ và xử lý.
Trong vụ này, chủ thể chính là Công ty HP đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng vào dự án, đang gánh chịu nhiều thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng từ sự ngăn chặn của Cục THADS tỉnh Long An, khiến cho dự án bị “trùm mền”, gây cản trở đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Long An, kéo theo nhiều hệ lụy khác. Thiệt hại ngày càng chồng chất nếu việc ngăn chặn không được giải tỏa. Là chủ đầu tư dự án, HP có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại…
Hỗ trợ pháp lý cho Công ty HP, luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TPHCM) vừa có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng, trình bày một loạt vấn đề, trong đó nhấn mạnh: Công ty HP là chủ đầu tư duy nhất của dự án, không có căn cứ pháp lý để chia đất, tách dự án. Việc ngăn chặn đã làm tê liệt toàn bộ hoạt động dự án, gây thiệt hại nghiêm trọng quyền lợi của HP, phá vỡ kế hoạch phát triển dự án theo quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An đã đề ra…
Theo Báo Công An