Ra đời năm 1995, là một trường đại học ngoài công lập đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh, 25 năm qua, đại học Văn Lang đã trở thành một trong số những địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực bậc đại học có uy tín trong cả nước.
Sau khi chuyển đổi sang cơ chế tư thục, với mục tiêu đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo trong chiến lược phát triển trường, năm 2016, sau 10 năm, bắt đầu từ khoa Quan hệ công chúng & Truyền thông, Đại học Văn Lang quyết định phát triển các ngành khoa học xã hội và nghệ thuật bằng cách mở thêm các ngành Piano; Thanh nhạc; Văn học ứng dụng; tâm lý học và Đông Phương học. Những ngành này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của xã hội. Khoa Xã hội & nhân văn mới thành lập và khoa Quan hệ công chúng-Truyền thông và nghệ thuật năm học này đã thu hút được hàng ngàn sinh viên, mở thêm hướng đi mới cho Đại học Văn Lang.
Kết nối chặt chẽ giữa đào tạo lý thuyết và thực tiễn, gắn chương trình đào tạo với hoạt động văn hóa nghệ thuật của xã hội, lãnh đạo Đại học Văn Lang ấp ủ ước mơ biến giảng đường đại học trở thành một trung tâm hoạt động văn hóa nghệ thuật, trước mắt là ở thành phố Hồ Chí Minh. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Trường đã cho thành lập Viện Đào tạo văn hóa- nghệ thuật Văn Lang, Trung tâm sự kiện xuất bản Văn Lang . Nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật khởi động được sinh viên các chuyên ngành xã hội nhân văn háo hức chào đón và được giới văn nghệ và báo chí quan tâm. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi được mời tham gia cố vấn cho trường như các nhà văn nhà thơ Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Duy, Nghệ sĩ nhân dân TS. Bạch Tuyết, Giáo sư nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên, GS TS nghệ sĩ Trần Thu Hà, Viện trưởng viện Văn học Việt Nam PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp…
Bắt đầu từ các cuộc tọa đàm khiêm tốn như tọa đàm về “Văn học ứng dụng trong hệ thống đào tạo văn học hiện đại”, hoat động văn hóa nghệ thuật của Đại học Văn Lang đang có quy mô lớn dần lên và khá đa dạng. Có thể là những cuộc hội thảo có đề tài rộng thu hút được nhiều sự quan tâm như “Báo chí tuyên truyền về sự phát triển TPHCM”. Có thể là tọa đàm giới thiệu một tác giả như talk show giới thiệu cuốn sách “vị thế Việt Nam vả nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Gian Thanh Sơn”, cuốn sách ảnh về hoạt động đối ngoại của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Lớn hơn là các cuộc hội thảo như hội thảo quốc gia “100 năm nhà thơ Nguyễn Bính” phối hợp với Viện Văn học Việt Nam có sự tham gia của hàng trăm nhà nghiên cứu văn học từ các viện và các trường đại học trong cả nước. Mở rông sang lĩnh vực nghệ thuật, Trường đã tổ chức thành công đêm nhạc “Đất nước lời ru” với sự tham gia của các nhạc sĩ Văn Thành Nho, nghệ sĩ ưu tú Tạ Minh Tâm và các nghệ sĩ giảng viên trong trường như NSƯT PGS.TS Trương Ngọc Thắng, NSƯT. PGS.TS Phạm Ngọc Doanh,NS thạc sĩ Phạm Hoài Phương. Khá đình đám là đêm nhạc thính phòng “Three to tango”, đêm nhạc mở đầu chương trình biểu diễn quốc tế “Vietnam Conection 2018” của nhóm nghệ sĩ quốc tế tại Việt Nam năm 2018 với các nghệ sĩ tên tuổi tại Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ…
Với cơ sở vất chất hiện đại và đạt chuẩn quốc tế, trong đó có nhà hát 1.400 chỗ ngồi, sắp tới, đại học Văn Lang dự kiến sẽ có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật có ý nghĩa, trong đó mới nhất là sẽ cuộc hội thảo “Báo chí tuyên truyền xây dựng Văn hóa nghệ thuật xã hội chủ nghĩa, ra mắt “Câu lạc bộ văn học và báo chí Văn Lang” và giới thiệu cuộc thi “Ký ức Văn Lang”.
Để chuẩn bị cho những hoạt động kỷ niệm 25 năm thành lập Đại học Văn Lang cũng đang chuẩn bị ra mắt “Nhà hát- Truyền hình Văn Lang. Hy vọng đây sẽ là cú hích thúc đẩy những hoạt động văn hóa nghệ thuật sôi nổi hơn ở Đại học Văn Lang.