Dù xưởng nhuộm hoạt động rầm rộ, có hành vi bức tử môi trường như thế nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà suốt thời gian dài chính quyền địa phương lại chưa có động thái gì ngăn chặn.
Từng cột khói đen nghi ngút ngày đêm bay lên không dứt; cống nước đen ngòm xả thẳng ra Sông Vàm Thuận; tiếng máy móc công nghiệp hoạt động không ngừng nghỉ; mùi tanh nồng, mùi hắc của hóa chất đang khiến người dân nơi đây “dở sống dở chết” mà không biết phải cầu cứu ai… Đó là những gì mà nhóm PV Pháp luật Môi trường điện tử ghi nhận được khi tìm đến Xưởng nhuộm vải tại đường TX 14, phường Thạnh Xuân, quận 12, Tp.HCM.
NGẮC NGOẢI SỐNG CHUNG VỚI Ô NHIỄM
Theo phản ánh của người dân, đã hơn 10 năm nay họ phải sống trong cảnh khốn khổ khi môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần.
Phá nát bầu không khí yên bình, trong lành của khu dân cư nơi đây là gần chục các cột khói khổng lồ hoạt động hết công suất cả ngày.
Lúc thì xả luồng khói trắng đục, khi thì đen ngòm bốc cao nghi ngút, gây mùi hắc nồng khó chịu, khiến cây cối xung quanh chết khô. Để đi qua một đoạn đường, người dân phải trang bị kính mắt, khẩu trang, áo bảo hộ vì khói bụi bủa vây ngột ngạt.
Chưa kể đến âm thanh chói tai nhức óc diễn ra khiến nhiều người bức xúc. Đó là tiếng máy móc, tiếng động cơ hoạt động trong quá trình hoạt động công nghiệp. Ô nhiễm tiếng ồn cao đã gây tổn hại đến sức khỏe, tinh thần của mọi người một cách trầm trọng.
Cách đó không xa, dòng sông Vàm Thuận – đoạn chảy qua khu vực có nhà máy – màu nước trở thành đen kịt, chỗ thì đỏ lòm, bọt nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Không một ngọn cỏ, loài cá hay sinh vật nào sinh sống được. Các ống nước thải khổng lồ tuôn ồng ộc thứ nước hóa chất độc hại, xả thẳng ra môi trường.
Mùi hôi thối, tanh nồng bốc lên đến rợn người. Đau xót hơn, hàng trăm cư dân nơi đây vẫn dùng nước giếng khoan để ăn uống, tắm giặt trong khi nguồn nước ngầm đã bị ô nhiễm nặng nề!
Khi được PV hỏi về tình hình sinh hoạt, chị N.H.A bức xúc chia sẻ: “Ô nhiễm cụ thể ra sao thì các anh thấy rồi đó. Hoạt động xả thải cứ diễn ra 24/24 h thôi. Nhà tôi lúc nào cũng đóng kín cửa vì không chịu được mùi khói, khi bụi, mùi thối và tiếng ồn ầm ĩ. Nhiều lần có ý kiến với chính quyền mà đã thấy giải quyết đâu. Chúng tôi thì cứ chết dần chết mòn với môi trường sống thế này, khổ nhất là người già và trẻ nhỏ”
Theo tìm hiểu nhóm PV được biết xưởng nhuộm vải đã được thành lập và đi vào hoạt động hơn 10 năm nay trên nền đất nông nghiệp, sát với nơi sinh sống của người dân. Diện tích xưởng nhuộm ước chừng khoảng 4000m2, kho bãi xây dựng khá sơ sài, xung quanh khu vực xưởng ngổn ngang bao tải, thùng hóa chất, phẩm màu…
Để tiết kiệm chi phí, xưởng nhuộm vải đã dùng vỏ điều, vải vụn, tạp chất để xử lý nguyên liệu, gây độc hại vô cùng cho người dân.
Đáng chú ý, bên ngoài nhà xưởng không hề có bảng hiệu đề tên công ty, địa chỉ cụ thể, rõ ràng nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại và hoạt động. Tình trạng ô nhiễm diễn ra nghiêm trọng nhất là khoảng 5 năm trở lại đây.
Thậm chí, nhiều người dân khi trực tiếp tìm đến chủ cơ sở yêu cầu chấm dứt hành vi xả thải đã bị các nhóm đối tượng hung hãn, côn đồ “hỏi thăm”, đe dọa. Dù xưởng nhuộm hoạt động rầm rộ, có hành vi bức tử môi trường như thế nhưng chẳng hiểu vì lý do gì mà suốt thời gian dài chính quyền địa phương lại chưa có động thái gì ngăn chặn!
“Suốt 3 năm nay tôi vác đơn đi cầu cứu chính quyền mà đâu có được. Tôi phản ánh đến tổ dân phố, phường rồi lên đến quận mà họ đâu giải quyết cho. Tất cả mọi nỗ lực của người dân đều nhận được câu trả lời chung chung rằng sẽ cho cán bộ xuống kiểm tra, được mấy hôm lại “bặt vô âm tín”. Tôi đã mang đơn đi khắp các ban ngành các cấp nên giờ rất hoang mang và chán lắm rồi. Đời con cháu chúng tôi mai sau lại phải tiếp tục sống trong cảnh này sao?” – Một người dân gần xưởng nhuộm chia sẻ.
CHUYỂN NHÀ, GỬI CON VÌ KHÔNG CHỊU NỔI
Câu chuyện tưởng chừng như đùa nhưng thực tế lại đang diễn ra tại phường Thạnh Xuân, Quận 12, Tp.HCM. Đó là cảnh vợ chồng bán nhà cửa, xin nghỉ làm, khăn gói kéo nhau đi nơi khác lập nghiệp; đó là cảnh con cái không được sống cùng cha mẹ vì môi trường ô nhiễm, buộc họ phải gửi con cho hai bên nội ngoại ở xa hơn để chăm sóc.
Thực trạng nhói lòng trên các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có biết không? Những người đang bám trụ lại ngôi nhà của mình phần lớn là những người lao động nghèo khó, vì cuộc sống mưu sinh buộc họ phải sống chung với ô nhiễm.
Cho PV xem đủ các loại thuốc: Cảm sốt, đau đầu, đau mắt, ho, kem bôi ngoài da… Chị H. ngậm ngùi tâm sự: “Tôi mới chuyển về đây được 3 năm mà sức khỏe suy sụp trầm trọng. Nói vui chứ “đặc sản” vùng này là thuốc, nhà nào cũng đầy đủ các loại thuốc này. Người già và trẻ nhỏ là khổ sở nhất, cứ vài ba bữa là lại đau ốm. Đã có 3 hộ gia đình phải chuyển đi vì không chịu được cảnh này”.
Ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm khi sức khỏe người dân nơi đây bị đe dọa từng ngày? Câu hỏi ấy treo lơ lửng trong đầu chúng tôi trên đường trở về tòa soạn. Hàng loạt các ô nhiễm trên đã, đang và sẽ gây ra các hệ lụy khôn lường cho môi trường sống, giết dần, giết mòn những người lao động nghèo khó.
Rồi đây, khi phải đối mặt với hàng loạt các căn bệnh về: hô hấp, huyết áp, tâm thần, thị lực, bệnh ngoài da… nặng hơn là căn bệnh ung thư ác tính thì tiền đâu mà họ có thể chữa trị?
Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường và các cơ quan chức năng của thành phố sớm vào cuộc để có biện pháp giải quyết tình trạng này, đảm bảo môi trường cũng như cuộc sống của người dân.
Theo Pháp luật Môi trường